Theo dự thảo mà Thời báo Phố Wall được tiếp cận, quy định mới sẽ tạo môi trường không mấy thân thiện đối với các hãng công nghệ nước ngoài bất chấp Ấn Độ đang tương đối cởi mở. Một số thay đổi kịch liệt nhất được đề xuất bao gồm: tạo ra sân chơi ưu tiên startup Ấn Độ; dữ liệu người dùng Ấn Độ phải được lưu trữ độc quyền trong nước, nguy cơ ảnh hưởng đến kinh doanh quảng cáo trực tuyến của các hãng; siết chặt kẽ hở cho phép những công ty như Amazon lách luật.
Không rõ khi nào dự thảo chính sách trở thành luật. Báo chí Ấn Độ đưa tin dự thảo đang bị chỉ trích sâu rộng và vẫn đang được quan chức chính phủ đánh giá. Theo thống kê của eMarketer, thị trường thương mại điện tử nước này có thể đạt giá trị 32 tỷ USD trong năm 2018, dù còn khiêm tốn so với Mỹ nhưng tốc độ tăng trưởng cũng rất đáng xem xét. Doanh thu thương mại điện tử của Ấn Độ sẽ tăng 31% năm nay, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi tăng trưởng tại Mỹ vào khoảng 18%.
Điều đó biến Ấn Độ trở thành một điểm nhấn đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp Mỹ khi mà thị trường quê nhà bắt đầu giảm tốc. CEO Amazon Jeff Bezos từng phát biểu năm 2016 rằng công ty sẽ rót 5 tỷ USD vào hoạt động thương mại điện tử Ấn Độ. Công ty không kê chi tiết doanh thu từ Ấn Độ trong báo cáo tài chính song khoản lỗ hoạt động nước ngoài cho thấy Amazon sẵn sàng lỗ để đánh bại các đối thủ nội địa. Chính thái độ này khiến chính phủ trở nên cảnh giác.
Trung Quốc, một thị trường tăng trưởng tiềm năng khác, đã tạo ra vòng đai bảo vệ cho doanh nghiệp nội. Như một hệ quả, Tencent, Alibaba, Meituan thống trị ở đây và đáng giá hàng tỷ USD trong khi các công ty Mỹ chật vật tìm kiếm thị phần.