Nhựa và các mảnh vụn từ nhựa đã được tìm thấy ở nơi sâu nhất đại dương. Đây là lời cảnh báo cho con người về tình trạng ô nhiễm biển ngày càng trầm trọng.
Theo nghiên cứu mới đây của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển-Trái đất Nhật Bản (JAMSTEC), có khoảng 3.500 mảnh nhựa chủ yếu là loại nhựa sử dụng một lần (chiếm 90%) đã được phát hiện dưới độ sâu 10.898 mét dưới đại dương. Vị trí này nằm trên rãnh Mariana, một trong những nơi sâu nhất thế giới. Hơn 1/3 số mảnh nhựa được tìm thấy có kích thước lớn hơn 5mm.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu tổng hợp trong khoảng thời gian lên tới 30 năm. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ tập trung tìm kiếm các vật thể chìm dưới đáy biển và không tính những thứ trôi nổi trên mặt biển. Từ kết quả có thể thấy, tình trạng ô nhiễm biển và đại dương nói chung đang ngày càng trầm trọng và khó kiểm soát.
Nhóm nghiên cứu cũng tiết lộ, có gần 600 mảnh nhựa được tìm thấy trong cơ thể của các loài sinh vật biển. Điều này càng thêm khẳng định, ô nhiễm do con người gây ra đang tác động trực tiếp tới sự sống của đại dương.
Phát hiện trên đã được đăng tải trên tạp chí chuyên nghiên cứu về chính sách đại dương Marine Policy mới đây.
Tiến Thanh