Tuy được định giá ở phân khúc tầm trung, nhưng Xiaomi Redmi Note 5 vẫn được hãng trang bị khá nhiều công nghệ chụp hình và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Trước khi ra đường, ta cùng ôn lại về phần cứng, phần mềm của camera Note 5.
Mặt sau, ta có cụm camera kép bao gồm camera chính 12mp khẩu độ f1.9 cùng camera phụ 5mp khẩu độ f2.0. Camera phụ có cảm biến Monochrome, dùng để thu nhận thông tin về chiều sâu, hỗ trợ cho việc chụp ảnh xóa phông.
Và tất nhiên là phần cứng tốt cũng phải được kết hợp với phần mềm hoàn chỉnh. Giao diện chụp ảnh của Redmi Note 5 khá đơn giản, nhưng vẫn đầy đủ những tính năng hỗ trợ như chọn cảnh, làm mịn da, đặt hẹn giờ, làm thẳng ảnh…
Phần chụp ảnh chỉnh tay (Manual) của Redmi Note 5 chỉ có thể chỉnh được 2 thông số là cân bằng trắng (White Balance) và ISO. Những ai sử dụng điện thoại để chụp ảnh chuyên sâu chắc sẽ cảm thấy thiếu thốn, nhưng với mình thì điện thoại là để chụp nhanh, chỉ rút ra khỏi túi là có thể bắt khung hình, nên có quá nhiều chế độ chỉnh tay sẽ làm rối và giảm tốc độ chụp.
Người dùng có thể tùy chỉnh được rất nhiều thông số của phần mềm trong phần cài đặt, như bật tắt tiếng chụp, thêm watermark Xiaomi, thay tỷ lệ khung hình và tăng độ tương phản, độ đậm màu và độ nét.
Một tính năng mình thấy rất hay đó là chống vạch sọc (Anti-banding). Đèn tuýp hay đèn sợi đốt khi hoạt động sẽ nháy chứ không phải nguồn sáng liên tục, nên khi chụp ảnh thường xảy ra hiện tượng trong ảnh có vùng sáng, vùng tối khác nhau tạo thành vạch sọc. Khi bật tính năng Anti-banding, máy sẽ tự chọn tốc độ phù hợp để tránh xảy ra hiện tượng này.
Thôi, có lẽ ta chỉ cần biết những thông số này để bắt đầu ra đường chụp!
Từ bức ảnh chụp đầu tiên, mình nhận thấy cách Xiaomi xử lý hình ảnh khá tự nhiên, các chi tiết không bị quá gắt và màu sắc được làm đậm vừa phải, nhờ vậy mà công việc hậu kì đơn giản, dễ điều phối màu mà mình thích hơn.
Camera của Redmi Note 5 khá rộng, nên thực sự phù hợp với việc chụp phong cảnh, kiến trúc. Trong chế độ HDR, dải biến động sáng (Dynamic Range) của máy tốt, nên giữ được chi tiết của những vùng sáng của mây và cả những vùng tối của tòa nhà.
Màu xanh dương trong ảnh thường hơi nhạt so với các máy khác, nên bầu trời nhìn không “hoành tráng”, nhưng hoàn toàn có thể chỉnh được bằng chính phần mềm chụp ảnh của hãng hoặc Snapseed.
Hành lang
Còn các màu sắc khác như xanh lá, đỏ và cam đều được máy tái tạo tốt, không cần phải chỉnh thêm quá nhiều.
Buổi chiều được nghỉ học, mình lên Phố đi bộ Hồ Gươm ngắm cảnh, ngắm…người và ngắm hoàng hôn. Như đã đề cập ở trên, nhờ có dải biến động sáng rộng nên tuy chụp ngược về phía mặt trời nhưng những người đứng trong bóng râm vẫn đủ sáng, dễ nhìn.
Camera của Note 5 cũng không xảy ra hiện tượng chói sáng (flare) khi chụp về phía những ánh sáng mạnh, vẫn giữ lại được độ tương phản của ảnh.
Da người được máy tái tạo rất tốt, không bị ám màu xanh lá xung quanh và rất hồng hào.
Mình bắt gặp chú chuột Jerry khổng lồ này và quyết định thử khả năng chụp xóa phông của máy. Nhìn chung thuật toán nhận diện vật trên Note 5 dừng lại ở mức ổn, xóa phông không quá lem nhem.
Đi hết một vòng hồ, mình vào Tràng tiền Plaza để “tránh nóng”. Camera tiêu cự rộng của Note 5 phát huy được hết tác dụng để chụp được toàn cảnh đẹp tại đây.
Mặt trăng đã lên cao, trời cũng tối nhanh nên mình “cố” thêm một bức ảnh nữa trước khi lấy xe để đi về.
Kết thúc một ngày dài ngoài đường bằng một bát caramen mát lạnh. Note 5 có khoảng cách lấy nét đủ gần để chụp những bức ảnh Close-up thức ăn, nhưng thiếu đi chức năng nhận diện cảnh AI như những dòng máy cao cấp nên người dùng cần phải chỉnh bằng tay để cho bức ảnh đẹp nhất.
Nhìn chung, mình hài lòng về khả năng chụp hình của Xiaomi Redmi Note 5, máy cho những bức ảnh sắc nét, vừa đủ đậm đà để dễ chỉnh sửa thêm. 2 tính năng xóa phông và chỉnh tay có thể gọi là ổn, chứ chưa thực sự xuất sắc, có lẽ hãng muốn “giữ” chúng cho những dòng máy cao cấp hơn. Đồng sáng lập Xiaomi khoe khả năng chụp ảnh xóa phông ấn tượng của Redmi S2 trước giờ G