PuWe 1 – một tinh vân hành tinh hình thành khi một ngôi sao đỏ khổng lồ bắn ra lớp vỏ ngoài vào giai đoạn gần cuối cuộc đời – Ảnh: T.A. Rector và H. Schweiker
Các nhà thiên văn học từ lâu đã biết Mặt trời một ngày nào đó sẽ tắt khi nó đốt cháy hết nhiên liệu, nhưng bản chất “cái chết” của Mặt trời chưa được hiểu một cách rõ ràng.
Giờ đây, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã có câu trả lời.
Bằng cách dùng một mô hình máy tính mới, họ phát hiện ra thay vì tắt ngúm một cách đơn giản như trước đây người ta tưởng, Mặt trời lúc “hấp hối” sẽ biến thành một tinh vân hành tinh lộng lẫy, có thể nhìn thấy cách xa hàng triệu năm ánh sáng.
“Tinh vân hành tinh là những vật thể đẹp nhất trên bầu trời. Nếu bạn sống ở thiên hà Andromeda cách đây 2 triệu năm ánh sáng, bạn vẫn có thể trông thấy Mặt trời vào thời điểm đó” – giáo sư vật lý thiên văn Albert Zijlstra thuộc Đại học Manchester (Anh) mô tả.
Trên nhiều phương diện, Mặt trời của chúng ta là một ngôi sao trung bình, cả về kích thước và tuổi đời. Nó đã tồn tại được 5 tỉ năm, tương đương một nửa vòng đời.
Ngày tàn sẽ đến khi lõi Mặt trời không còn hydrogen, dẫn đến trung tâm của nó sụp đổ. Khi điều này xảy ra, phản ứng hạt nhân sẽ xuất hiện bên ngoài lõi, khiến Mặt trời phình ra thành một ngôi sao đỏ khổng lồ, nuốt chửng sao Kim và sao Thủy.
Tiếp theo, Mặt trời sẽ mất đi một nửa khối lượng khi các lớp ngoài cùng bị bắn ra với tốc độ 20km/giây.
Lõi của nó sẽ nóng dần lên, làm tỏa ra tia cực tím và tia X. Các tia này sẽ đuổi kịp những vật chất bị bắn ra và biến chúng thành một vòng tròn plasma sáng rực rỡ. Tinh vân hành tinh này sẽ tồn tại khoảng 10.000 năm.
Trái đất có thể sống sót sau cái chết của Mặt trời, nhưng thật ra sự sống trên hành tinh chúng ta đã biến mất khá lâu trước đó, theo các nhà khoa học.
Tuổi càng cao, Mặt trời sẽ càng sáng và nóng hơn. Trong 2 tỉ năm nữa nó sẽ đủ nóng để khiến tất cả các đại dương trên Trái đất sôi sục. “Đây sẽ không còn là một nơi dễ chịu” – giáo sư Zijlstra hóm hỉnh.