Theo BGR, đối với phần lớn mọi người, ngay cả khi họ không biết gì về các chuẩn mực của ngành báo chí, đều ngầm hiểu rằng các phóng viên phải tự giới thiệu nghề nghiệp của mình với các nguồn tin. Sẽ thật là… mờ ám nếu một phóng viên định khai thác thông tin bằng cách giả vờ là một thành viên thông thường của xã hội, phải không?
Thái độ của họ sẽ thay đổi ngay lập tức (và thực ra thì họ cũng nên như vậy) khi một người nhận ra rằng họ đang phải “đối mặt” với một thành viên của “Quyền lực thứ tư”. Đó cũng là lý do tại sao sản phẩm trí tuệ nhân tạo có khả năng nói-giống-như-con-người Duplex mà Google giới thiệu tại hội nghị dành cho nhà phát triển I/O – một trợ lý được hoàn chỉnh với thứ mà Google gọi là “khả năng ậm ừ khi giao tiếp” giống hệt như con người – đã trở thành trung tâm của mọi sự chú ý.
Cụ thể: Google đã có một bước nhảy vọt trong việc phát triển một công cụ máy tính có khả năng hoàn thành các tác vụ mà mỗi chúng ta đều thường xuyên làm – đặt chỗ tại một nhà hàng, lên lịch hẹn cắt tóc – với cách giao tiếp quá giống với con người, đến nỗi bạn khó có thể nhận ra được sự khác biệt.

“Đợi tôi một giây nhé”, một tiếp tân của một salon tóc nói, sau khi nhận ra Duplex – thứ mà cô nghĩ rằng là con người ở đầu dây bên kia – muốn đặt lịch.
“Mmm-hmm”, Duplex trả lời, khiến khán giả ồ lên trong sự kinh ngạc và phấn khích.
Nhưng chúng ta hãy tạm dừng và xem xét nhé. Google đã thêm vào tất cả những chi tiết tưởng chừng nhỏ bé ấy để khiến bạn tin rằng đó thực sự là con người ở đầu dây bên kia. Duplex muốn bạn nghĩ như vậy, muốn bạn hạ sự cảnh giác của mình xuống và nói chuyện một cách bình thường, như những con người với nhau. Nhưng có phải làm như vậy, Google đã vượt qua ranh giới hay không? Một đường ranh giới phân chia giữa những sự tương tác bình thường và sự kỳ vọng giữa các bên đối với tương tác đó?
Sau khi chứng kiến màn trình diễn của Duplex tại I/O, phóng viên công nghệ Steven Levy đã đưa ra nhận định của mình về một vấn đề lớn cần phải giải quyết: “Việc một robot có khả năng nói giống như con người tương tác với người khác mà không thông báo cho họ biết rằng anh ấy hay cô ấy đang trò chuyện với robot có vi phạm các chuẩn mực đạo đức không?”
Khách quan mà nói, trong những trường hợp như thế này, khi các tác vụ “nhàm chán” như hẹn lịch cắt tóc hay đặt chỗ tại nhà hàng được thực hiện, sẽ không có quá nhiều sự khác biệt nếu những người ở phía đầu dây bên kia nhận ra rằng họ đang nói chuyện với máy tính. Cuộc hẹn vẫn phải được thực hiện. Con người vẫn cần phải đưa ra những thông tin cần thiết như ngày, giờ, địa điểm, số người,… Nhưng, ngay cả khi các tranh cãi còn chưa ngã ngũ, chúng ta vẫn phải hiểu rõ mình đang đối mặt với điều gì.
Có một số dấu hiệu cho thấy rằng Google hoàn toàn hiểu điều này, và đánh lừa con người để họ tin rằng họ đang trò chuyện với người chứ không phải máy tính hoàn toàn không phải là mục đích cuối cùng của công ty. Hai kỹ sư của Google đã viết trên trang blog của công ty rằng Duplex là một công nghệ “được xây dựng để nói một cách tự nhiên, để khiến trải nghiệm giao tiếp trở nên thoải mái hơn. Việc người dùng và các doanh nghiệp có một trải nghiệm tốt với dịch vụ là rất quan trọng đối với chúng tôi, và sự minh bạch chính là điểm then chốt để chúng tôi có thể làm điều đó. Chúng tôi muốn trở nên thẳng thắn về mục đích của cuộc gọi để các doanh nghiệp có thể nắm rõ. Chúng tôi sẽ thử nghiệm các cách tiếp cận khác trong những tháng tới”.
Không thể phủ nhận, công nghệ này là một thứ rất tuyệt vời và có nhiều tiềm năng, nhưng “đáng sợ” cũng là một cụm từ được sử dụng nhiều lần để mô tả Duplex, ngay cả cựu nhân viên Google Chris Messina: “Google Duplex là thứ tuyệt vời nhất nhưng cũng đáng sợ nhất tại #IO18 cho đến nay”.
Duplex còn “đáng sợ” hơn nữa ở điểm này: Theo các kỹ sư của Google, Duplex có đủ khả năng tự nhận thức để biết rằng khi nào có tác vụ nó không thể tự hoàn thành, như lên lịch một cuộc hẹn với những chi tiết phức tạp hơn. Trong các trường hợp đó, nó sẽ có thể “thông báo” tới người phụ trách để yêu cầu giúp đỡ.
Màn trình diễn của CEO Sundar Pichai đã cho thấy chúng ta đã tiến gần hơn với thế giới của bộ phim “Her”, với một Duplex không khác gì cô nàng Samantha mà anh chàng của chúng ta đã đem lòng yêu mến. Công nghệ mới, đặc biệt là những công nghệ “nhạy cảm” như thế này cần phải được xem xét kỹ lưỡng, và nếu robot một ngày nào đó trở thành “Quyền lực thứ năm”, có lẽ chúng cũng cần phải tự giới thiệu bản thân mình như vậy.
Văn Hoàn