Trong hàng tỷ lượt view trên YouTube, mảng tin tức chiếm một vai trò không nhỏ. Vì vậy nhiều nhà phát triển đã tạo ra một công cụ làm tin “tốc độ nhất mọi thời đại”.
Những video tin tức ra lò từ những “tòa soạn YouTube” này vô tư bay thẳng lên top thịnh hành mà không được sự cho phép của đơn vị đã tạo ra nó. “Không ai khiếu nại thì cứ vậy mà kiếm tiền”, Ngọc Khoa “nhà làm tin” với 2 năm kinh nghiệm chia sẻ quan điểm về lĩnh vực đã từng giúp anh sống qua thời sinh viên. Những công cụ làm tin này được gọi với cái tên YouTube News Creator.
Tự động A-Z
Đầu tiên hệ thống này quét và tổng hợp tất cả các bài báo hấp dẫn, mới nhất theo chủ đề mà “nhà sáng tạo” lựa chọn từ trước. Nguồn tin được lọc từ cả tin thật lẫn tin giả. Tuy nhiên tin giả chỉ là “ăn xổi” bởi nó rất dễ vi phạm chính sách. Riêng tin tức lấy từ báo chí chính thống chỉ cần sửa tiêu đề cho hấp dẫn (thậm chí sai thông tin) là dễ dàng có view.
Tiếp đó, một công cụ khác sẽ chịu trách nhiệm đọc lại toàn bộ bài báo với giọng đọc thoáng qua khó nhận ra đây là máy.
“Máy đọc này thuê từ nhiều nguồn, trong đó có công ty công nghệ lớn tại VN. Giọng đọc này cho kết quả như giọng đọc tự nhiên, có thể tự động ngắt nghỉ khi đọc câu dài và kết hợp với biểu cảm. Thậm chí có thể lựa chọn tiếng vùng miền, giới tính”, Ngọc Khoa chia sẻ.
Mẫu quảng cáo công cụ “làm báo” đăng trong một nhóm chuyên làm video tin tức trên Facebook.
Ngoài làm tin tức Việt, nhiều “tòa soạn YouTube” này còn thâu tóm các kênh tin tức nước ngoài như Nhật, Hàn, Mỹ và các nước châu Âu. “Làm tin Mỹ là sướng nhất, giọng đọc mua từ Amazon đúng chuẩn như người thật. Trang trí video sạch sẽ thì thu hút vài triệu view là chuyện bình thường”, Khoa nói thêm.
Về phần trực quan, công cụ Youtube News Creator sẽ tìm hình ảnh với từ khóa liên quan đến bài viết trên Google để dựng thành một video hấp dẫn. Bên cạnh đó, nó còn tự động thêm logo, hình hiệu mở đầu và kết thúc, giúp video trông “chuyên nghiệp”, “chính chủ” hơn. Định dạng tin tức video khá đa dạng như tin tức hình ảnh có nhạc nền, ảnh kèm thuyết minh và phụ đề…
Sau đó ứng dụng này sẽ tự động mở phần mềm dựng phim Proshow, thêm nguồn thu thập được và render ra video với nhiều hiệu ứng bắt mắt.
Bước cuối cùng, công cụ này tự động đặt cho video một cái tựa “hấp dẫn” nhất bằng cách chế biến lại tiêu đề gốc của bài báo và đăng tải lên YouTube. Ngoài ra nó còn đưa vào những yếu tố gây chú ý như “khủng khiếp”, “bất ngờ”, “bàng hoàng”…
Để tránh bị chủ nhân bài báo phát hiện, công cụ trên thêm vào một vài dấu câu để giới hạn công cụ tìm kiếm. Ví dụ như “Nguyễn Hải Dương” sẽ đổi thành “Nguyễ.n Hả.i Dươ.ng”.
Về kỹ thuật, những “tòa soạn” này sử dụng máy ảo (VPS) thuê từ nhiều nguồn khác nhau. “Thuê máy ảo giúp tối ưu chi phí hơn lắp một bộ máy bàn. Đặc biệt máy ảo có khả năng hoạt động 24/24. Tuy nhiên không thể đảm bảo nó ổn định hoàn toàn được”, Lưu Đinh, người am hiểu về mạng xã hội video YouTube chia sẻ.
Nuôi 100 kênh chỉ mong ăn được 1
Tuy vậy công cụ này thường xuyên xảy ra lỗi vặt. “Công cụ Youtube News Creator hoạt động rất chập chờn, thường xảy ra lỗi. Phổ biến nhất là lỗi video loạn xạ hết lên, hình tin này, nội dung tin khác, những từ viết tắt như SN (sinh năm) lại đọc là ét-nờ”, anh Lưu Đinh.
Phần thuyết minh được mua từ Amazon Polly với nhiều giọng không thể nhận ra là máy đọc. Riêng ngôn ngữ tiếng Việt được mua từ một công ty công nghệ nổi tiếng tại VN.
Theo người trong giới kiếm tiền từ YouTube, làm “news” chỉ dành cho những người tay mơ bởi thường xảy ra lỗi, không ổn định nên thu nhập không tốt như những mảng khác. “Nuôi 100 kênh, chết lên chết xuống chỉ mong còn 1 kênh là đủ sống”, Khoa chia sẻ.
“Nhà sáng tạo” chi tiền chủ yếu cho việc mua tool và thuê máy ảo. Trung bình một kênh ngốn ít nhất 2 triệu đồng mỗi tháng. Doanh thu từ quảng cáo YouTube chỉ gấp đôi số đó nhưng thời gian để sửa lỗi vặt lại quá nhiều.
“Nhiều hôm ăn theo được tin tức nào đó nóng hổi, được vài triệu view (lượt xem) thì may ra tháng đó dư được hơn chục triệu. Chứ lèo tèo vào trăm nghìn view vừa đủ chi phí sinh hoạt. Còn chưa kể đến kênh tự lăn ra chết”, Ngọc Khoa chia sẻ lý do từ bỏ công việc “làm tin” sau khi tốt nghiệp đại học.
Không thể kiểm soát nổi chữ viết
Trong phần chính sách của mình, YouTube liệt kê những thứ được cho là bản quyền. Trong đó “tác phẩm viết, chẳng hạn như các bài giảng, bài báo, sách và bản soạn nhạc đều được YouTube bảo vệ”.
Tuy nhiên, ở một mục khác YouTube lại cho rằng “báo cáo tin tức được coi là một kiểu sử dụng hợp lý”. Điều này có nghĩa ở loại hình điểm báo, việc sử dụng nguồn của báo khác là được phép. Thêm nữa YouTube thường chỉ phát hiện vi phạm khi nhận được báo cáo về bản quyền. Việc kiểm soát vi phạm này chỉ được giải quyết khi nạn nhân bấm nút báo cáo video.
Một số “nhà sáng tạo” còn khẳng định mình đã tuân thủ đúng những gì có trong chính sách mơ hồ của YouTube. Vì thế họ có quyền được “miễn trừ mọi trách nhiệm”. Thậm chí họ còn cung cấp bằng chứng hậu trường, nguồn video giả để kháng lại báo cáo từ chính người sở hữu nội dung.
Theo Zing.vn