Có lẽ tất cả chúng ta đều từng bị giấy cứa vào tay ít nhất một lần trong đời. Những tờ giấy mỏng manh tưởng chừng vô hại, nhưng chỉ một khoảnh khắc nó cắt vào da thịt sẽ khiến bạn nhớ đến già.Tại sao giấy cắt lại buốt đến vậy, ngay cả khi vết thương không chảy máu?Hóa ra, chính việc không chảy máu cũng góp phần khiến bạn thấy đau hơn. Về mặt vật lý, sự tổn thương do giấy cứa hoàn toàn tương xứng với cảm giác đau đớn của bạn. Chỉ có điều bạn không đủ tinh tế để nhìn thấy điều đó mà thôi.

Đây là nguyên nhân khiến bạn đau điếng khi bị giấy cứa tay, kể cả khi không chảy máu - Ảnh 1.

Hình ảnh của một mép giấy dưới kính hiển vi. Bây giờ bạn đã biết tại sao vết giấy cắt lại đau rồi chứ? Phóng to một mép giấy nhẵn nhụi và vô hại lên gấp 100 lần là những lưỡi cưa sắc cạnh đâm tua tủa ra khỏi đó.
Vết cắt từ những lưỡi cưa giấy này rất thô, chứ không ngọt như một lưỡi dao là thứ đầu tiên khiến bạn thấy đau. Giấy càng kém chất lượng, chẳng hạn như loại dùng để làm phong bì, được gia công càng kém thì càng để lại nhiều lưỡi cưa khiến bạn bị cắt đau hơn.Đã bao giờ bạn liếm phong bì mà bị mép giấy cắt vào môi hoặc lưỡi?Đó là chưa kể những hóa chất còn tồn dư sau quá trình xử lý giấy, chúng có thể là nhân tố gây kích thích vết thương của bạn. Nguyên nhân tiếp theo phải kể đến, đó là giấy thường biết chọn vị trí để cắt vào da bạn. Đầu ngón tay, môi, lưỡi và má là những vị trí hay bị giấy cắt nhất. Đó đều là nơi tập trung rất nhiều đầu dây thần kinh cảm giác.
Mật độ dây thần kinh ở những địa điểm này cao gấp nhiều lần các vị trí khác ví dụ như cánh tay, chân hoặc lưng. Bởi đó là những cơ quan yêu cầu xúc giác hoạt động mạnh nhất.Vết giấy cắt ở đầu ngón tay sẽ cắt qua nhiều dây thần kinh hơn. Những dây thần kinh này gửi một tín hiệu đau có độ phân giải rất cao về não bộ của bạn. Lẽ đương nhiên, não bộ của bạn sẽ xử lý chúng kỹ càng hơn. “Độ phân giải cao” lúc này quả thật là một điều không may.

Đây là nguyên nhân khiến bạn đau điếng khi bị giấy cứa tay, kể cả khi không chảy máu - Ảnh 2.

Đầu ngón tay chứa rất nhiều dây thần kinh, bởi vậy, vết cắt ở đó sẽ rất đau

Cũng liên quan đến vị trí, đầu ngón tay cũng là nơi thường xuyên phải hoạt động. Trong lúc bạn làm việc, miệng vết thương do giấy cứa có thể bị xê dịch, khiến bạn cảm thấy đau trở lại.
Nhưng điều tinh tế nhất của một vết cắt do giấy lại nằm ở độ sâu của nó. Một mép giấy đủ sắc để cắt qua da bạn, nhưng cũng đủ cùn để không khiến bạn chảy máu. Nó là điều kiện hoàn hảo để phơi hai đầu bó dây thần kinh bị đứt của bạn ngoài không khí.Bởi máu không chảy được, nó sẽ không bao được miệng vết thương rồi đông lại để bảo vệ cho nó. Vết thương hở sẽ kích thích những đầu dây thần kinh tiếp xúc với không khí, liên tục gửi tín hiệu về não báo hiệu rằng cơ thể đang bị hở.Mà bạn thì đã biết thừa điều đó rồi, nhưng vẫn không thể ngăn được dòng tín hiệu ngu ngốc ấy.Làm sao để đối phó với vết giấy cắt?Tất nhiên, khi đã phân tích đầy đủ nguyên nhân gây ra cảm giác đau điếng người khi bị giấy cắt, chúng ta sẽ có một số chiến thuật để đối phó với nó.Trước tiên, bạn vẫn phải rửa vết cắt ngay khi có thể với xà phòng và nước. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và giúp vết thương mau lành hơn. Giữ vết thương sạch sẽ, và nếu có thể hãy băng nó lại bằng urgo nhằm hạn chế xê dịch miệng vết thương.Trước đó, để tránh tối đa việc các đầu dây thần kinh phải tiếp xúc với không khí, bạn cũng có thể bôi một chút thuốc mỡ vào vết giấy cắt.Ngoài các hiệu ứng vật lý, những vết giấy cắt có thể khiến bạn khó chịu hơn vì phản ứng tâm lý. Đa phần điều đó xảy ra như một tai nạn, nó sẽ khiến bạn khó chịu kêu trời: “Tại sao điều này lúc nào cũng diễn ra với tôi vậy?”Việc khắt khe với bản thân cũng làm khiến bạn tức giận hơn: “Tại sao mình cứ tự làm tổn thương mình?”. Hoặc cảm giác lo lắng tiếp tục bị giấy cắt cũng khiến bạn không thoải mái. Hãy nghĩ về trường hợp bạn còn phải dán vài chục cái phong bì trong khi vừa bị giấy cắt vào lưỡi.Rõ ràng, vết giấy cắt là điều gì đó rất bình thường, nhưng nó có thể gợi lên một phản ứng cảm xúc phức tạp.

Đây là nguyên nhân khiến bạn đau điếng khi bị giấy cứa tay, kể cả khi không chảy máu - Ảnh 3.

Hãy cẩn thận với những mép phong bì

Cuối cùng, bài học rút ra từ những vết giấy cắt là gì? Rằng những tờ giấy không vô hại, mép của chúng lởm chởm như những lưỡi cưa là thứ bạn có thể nhắc nhở con cái mình cẩn thận sau này. 
Những vết giấy cắt cũng sẽ nhắc nhở bạn cẩn thận hơn, đôi khi có những nhiệm vụ tưởng chừng dễ dàng trong đời lại có thể vô tình gây ra những tổn thương ngoài sức tưởng tượng.