Nộp phạt tiếp 1,4 tỷ USD

Ngoài các thiệt hại “khủng” trước đây, để Mỹ xóa bỏ lệnh cấm nhập khẩu linh kiện và công nghệ từ các hãng công nghệ Mỹ trong vòng 7 năm, ZTE sẽ phải nộp cho chính phủ Mỹ khoản tiền phạt 1,4 tỷ USD. Trong đó, 1 tỷ USD vì vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và số tiền còn lại để bảo lãnh cho trường hợp tái vi phạm trong tương lai.  
Trước đó, vào đầu tháng 3/2017, ZTE bị Mỹ phạt 900 triệu USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ tại Iran. Trong vụ việc này, ZTE bị cáo buộc vi phạm về hạn chế buôn bán hàng hóa và kiểm soát xuất khẩu. Trong suốt thời gian từ năm 2010 đến đầu năm 2016, ZTE đã bán phần cứng và phần mềm do các công ty công nghệ tại Mỹ chế tạo cho nhà mạng viễn thông lớn nhất ở Iran.
ZTE đã thừa nhận có sai phạm với ba cáo buộc, trong đó có hành vi cản trở pháp luật khi che giấu thông tin với các nhà điều tra liên bang. Họ sẽ phải trả khoản tiền phạt 892 triệu USD, cùng với đó là mức phạt 300 triệu USD được treo trong 7 năm nếu ZTE không tuân thủ quyết định của phía Mỹ.
Chuyện không dừng lại ở đó khi mà tròn 1 năm sau khi bị phạt 900 triệu USD, trong tháng 3 vừa qua, Mỹ đã ban hành lệnh cấm các công ty công nghệ trong nước bán linh kiện, công nghệ cho ZTE trong khoảng thời gian 7 năm.
Lệnh cấm của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc ZTE sẽ không thể sử dụng các bộ vi xử lý Snapdragon của Qualcomm nữa. Trong khi ZTE có thể tìm đến nhà sản xuất MediaTek để thay thế, nhưng những dòng smartphone cao cấp như Axon 9 với chip Snapdragon 845 có thể sẽ bị khai tử dù chưa ra mắt.

Quyết định này có ảnh hưởng rất lớn tới việc sản xuất các thiết bị viễn thông và smartphone của ZTE, bởi ước tính khoảng 25 – 30% linh kiện trong các thiết bị của ZTE được cung ứng bởi các nhà sản xuất tại Mỹ.
Chỉ vài tháng sau lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực, ZTE chính thức thông báo các hoạt động kinh doanh chính của hãng này đã bị ngừng lại. Hậu quả là, theo ước tính, ZTE đã bị “bốc hơi” tiếp ít nhất 20 tỷ nhân dân tệ, tương đương 3,1 tỷ USD do lệnh cấm của Mỹ.
Ngoài các thiệt hại do đối tác chấm dứt hợp đồng, sụt giảm doanh thu do dừng sản xuất kinh doanh, ZTE phải bỏ ra khoảng từ 80 triệu đến 100 triệu nhân dân tệ để duy trì các hoạt động hàng ngày trong khi phần lớn trong số 75.000 nhân viên của hãng phải “ngồi chơi”.

De My xoa bo lenh cam, ZTE phai tra nhung gi?

Phải sa thải ban lãnh đạo cấp cao
Để Mỹ xóa bỏ lệnh cấm, ngoài việc nộp phạt 1,4 tỷ USD kể trên, chính phủ Mỹ còn yêu cầu ZTE phải thay thế hoàn toàn ban lãnh đạo cấp cao và nghiêm túc sa thải những nhân viên liên quan đến vụ việc này.
Trước đó, trong nội dung lệnh cấm 7 năm, chính phủ Mỹ cũng đã yêu cầu ZTE phải sa thải 04 giám đốc cấp cao và 35 nhân viên khác thuộc các nhà cung ứng tại Mỹ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ZTE đã phớt lờ yêu cầu này. Không những vậy, ZTE lại trả đầy đủ lương thưởng cho các nhân viên có liên quan đến vụ việc phi pháp trên.
Đây chính là một lý do mà trong thỏa thuận xóa bỏ lệnh cấm này chính phủ Mỹ tiếp tục yêu cầu ZTE phải “thay máu hoàn toàn” ban lãnh đạo cấp cao và xử lý nghiêm các nhân viên có liên quan.
Khoản tiền 1,4 tỷ USD lần này xem ra vẫn còn “khá hời” đối với ZTE. Bởi lẽ, nhiều chuyên gia cho biết, thương hiệu ZTE có thể bị “biến mất” sau khi thực thi xong lệnh cấm 7 năm của Mỹ.
Lê Hường (theo Telecomlead) .

VietBao.vn