Theo trang Technology.org, đây là kết luận của nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Edinburgh.
Theo đó, nói chuyện với trẻ nhỏ là một việc rất quan trọng, do trẻ học các kỹ năng ngôn ngữ bằng cách nghe phát âm từ phụ huynh. Do đó, các ông bố, bà mẹ càng tích cực nói chuyện với trẻ càng tốt. Nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã tìm thấy bằng chứng về việc trẻ nghe người lớn nói chuyện bằng ngôn ngữ “baby talk” càng nhiều thì khả năng ngôn ngữ của chúng lại càng phát triển tốt hơn.
Theo đó, các nhà khoa học Anh đã đánh giá khả năng phát triển ngôn ngữ ở 47 trẻ 9 tháng tuổi khi chúng bắt đầu học Tiếng Anh. Kết quả cho thấy, những trẻ hay được nghe người lớn giao tiếp bằng ngôn ngữ “baby talk” phát triển khả năng ngôn ngữ tốt hơn trong khoảng từ 9-21 tháng tuổi. Tuy nhiên, không phải từ nào cũng có tác dụng giống nhau.
Nhóm nhận thấy, một số dạng baby talk đặc biệt hữu ích trong việc giúp trẻ học ngôn ngữ, ví dụ những từ có âm cuối là chữ “y” (tummy, mummy,…) hay các từ lặp lại như choo-choo and night-night. Khi nói những nhóm từ này với trẻ, lâu dần có thể tạo ra phản xạ và giúp trẻ xác định được từng từ trong lời nói.
Về mặt nào đó, việc sử dụng từ mô tả cho hành động, âm phát ra từ các con vật hoặc từ cảm thán sẽ là một cách giải trí cho trẻ và tăng khả năng nhận biết ngôn ngữ.
Không chỉ giúp trẻ hiểu được từ riêng lẻ tốt hơn, baby talk cũng là một cách giúp trẻ mở rộng vốn từ nhanh hơn. Mitsuhiko Ota, một trong tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy, trẻ hay dùng các từ viết gọn hay từ lặp khi chúng bi bô nói chuyện với mọi người. Đây là tiền đề quan trọng giúp phát triển từ vựng sớm ở trẻ”.
Có không ít những người trưởng thành cảm thấy khó chịu khi nghe người khác “baby talk”. Tuy nhiên, nó là một việc làm rất phổ biến trên toàn thế giới, trải dài ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Nó không phải là thứ bạn học trên truyền hình hay internet – chỉ đơn giản là mỗi khi chúng ta nhìn thấy trẻ con thì tự chúng ta muốn làm vậy. Phải chăng đây là bản năng của con người từ thời xa xưa?
Mai Huyền