Được biết, Hội thảo khoa học Smart City 3600 là nhiệm vụ do Sở KHCN TP.HCM giao Viện KHCNTT thực hiện từ năm 2017 với mục tiêu là xây dựng cộng đồng, sân chơi khoa học dành riêng cho các trường – viện nghiên cứu cũng như tạo kết nối của các cơ quan quản lý, các tỉnh thành có nhu cầu xây dựng thành phố thông minh và doanh nghiệp cung cấp giải pháp.
“Hội thảo Smart City 3600 năm 2017 đã tạo dấu ấn rất quan trọng vì thông qua đó kiến tạo, cổ vũ hàng loạt hoạt động nghiên cứu có chất lượng liên quan đến các giải pháp dành cho thành phố thông minh. Năm 2018, chúng tôi chú trọng đến những giải pháp về tương tác thời gian thực”, tiến sỹ Đoàn Xuân Huy Minh – thành viên thường trực Ban tổ chức hội thảo Smart City 3600 cho biết, “Lý do ra đời ban đầu chỉ là sân chơi học thuật, nhưng trong quá trình thực hiện thì Viện Khoa học và Công nghệ tính toán nhận thấy đây là nhu cầu thực sự của các tỉnh, thành về việc xây dựng thành phố thông minh. Việc kết nối 3 nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp) thực ra là mục tiêu chung trong tất cả hoạt động của các đơn vị, nhất là đơn vị khoa học – công nghệ”.

Tiến sỹ Đoàn Xuân Huy Minh – thành viên thường trực Ban tổ chức hội thảo Smart City 360

Ứng dụng thực tế – hướng đến thị trường
Trao đổi với phóng viên Thế giới Vi tính bên lề Hội thảo diễn ra vào chiều ngày 26/7, tiến sỹ Đoàn Xuân Huy Minh khẳng định “Từ hoạt động trong những năm qua, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (đơn vị thuộc Sở KHCN TP.HCM) nhận thấy nếu không có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thì rõ ràng hoạt động nghiên cứu chỉ xoay quanh vấn đề về nghiên cứu lý thuyết. Để ra được thị trường thì chúng tôi bắt buộc phải bắt tay với doanh nghiệp nhằm xác định lại mục tiêu cũng như nhu cầu của thị trường, rồi từ đó đưa ra những nghiên cứu phù hợp hơn với ứng dụng thực tiễn”.
Cũng theo tiến sỹ Đoàn Xuân Huy Minh, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, đối với TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, thì trong thời gian quan, Bộ KHCN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những quy định về thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học, và kết quả là trong thời gian vừa qua tình hình nghiên cứu khoa học, định hướng hoạt động nghiên cứu ứng dụng đã có nhiều khởi sắc rõ rệt.
“Riêng những hoạt động nghiên cứu giải pháp cho đô thị thông minh thì Viện Khoa học và Công nghệ tính toán cũng xác định được mục tiêu nghiên cứu của Viện và cũng đã tham gia 1 số chương trình ứng dụng của Thành phố, ví dụ như chương trình chống ngập”.
Từ trước đến nay thì các nghiên cứu CNTT có đặc thù là nếu nghiên cứu về thuật toán thì chủ yếu là công bố trên các hội thảo mang tính khoa học, còn nghiên cứu về ứng dụng thì ra sản phẩm phần mềm.
Riêng hoạt động nghiên cứu có gắn kết hoạt động quản lý nhà nước, ví dụ như đô thị thông minh, thì trước đây là hoàn toàn chưa có.
“Vì thế, Hội thảo Smart City 3600 chính là cơ hội giới thiệu cho các trường, viện, trung tâm nghiên cứu nhận ra là còn có 1 thị trường rất lớn về nghiên cứu ứng dụng CNTT trong quản lý chính phủ điện tử và triển khai xây dựng đô thị thông minh”, tiến sỹ Đoàn Xuân Huy Minh nhấn mạnh, “Hoạt động này của Sở KHCN TP.HCM và Viện KHCNTT về đô thị thông minh đã phần nào kích hoạt thị trường để các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp chủ động giới thiệu giải pháp đến các cơ quan quản lý nhà nước”.
“Chỉ cần đến tham dự hội thảo là điều kiện có được sự hợp tác tốt hơn trong tương lai”, đại diện Viện Khoa học và Công nghệ tính toán cho biết, “Riêng về hoạt động của Viện KHCNTT, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo Sở KHCN TP.HCM trình đề án riêng để phát triển nhóm nghiên cứu về đô thị thông minh. Nhóm nghiên cứu này có hoạt động gần giống như một trung tâm độc lập, vừa phát triển nghiên cứu vừa tăng cường hoạt động kết nối với doanh nghiệp để đưa các bài toán nghiên cứu khoa học thành ứng dụng cụ thể trong hoạt động của xã hội, cơ quan nhà nước cũng như của người dân”.