Giáo sư Vũ Hà Văn

Hôm 21/8 vừa qua, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ ứng dụng 1000 tỷ đồng trực thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Viện Big Data) thuộc Vingroup đã chính thức ra mắt.
Ngay sau sự kiện này, chia sẻ với báo giới, giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học của Viện Big Data cho hay khi nhận được lời mời về Vingroup, bản thân ông cũng rất bất ngờ.
“Bắt đầu từ cách đây vài tháng, khi đó tôi đang ở Đà Nẵng thì nhận được cuộc điện thoại của lãnh đạo Vingroup nói về việc Chủ tịch Phạm Nhật Vượng muốn hợp tác cùng tôi. Khi đó bản thân tôi cũng chưa biết nhiều về Vingroup, mới chỉ biết là một doanh nghiệp làm về dịch vụ với VinHomes, Vinpearl…”, giáo sư Vũ Hà Văn chia sẻ.
Sau đó về Hà Nội, ông đã gặp Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, qua trò chuyện mới biết được Vingroup đang muốn hướng về công nghệ và lớn hơn, là muốn Việt Nam tiến mạnh về công nghệ, nghiên cứu khoa học, là con đường nhanh nhất để giúp đất nước tiến xa hơn.
Cũng theo chia sẻ của ông, bản thân ông đã về Việt Nam giảng dạy từ lâu và nhận thấy các bạn trẻ nghiên cứu khoa học làm việc rất khó. Còn với những người ở nước ngoài về, cơ chế và điều kiện trong nước phần nhiều cũng chưa đáp ứng được giấc mơ của họ.
“Do đó, Quỹ được lập ra để hỗ trợ những người thực sự có tài năng, bởi nếu không hỗ trợ đúng mức thì các tài năng sẽ dần lụi tắt. Tôi cũng đã nói nhiều về chuyện chảy máu chất xám. Do đó Quỹ được lập ra để hỗ trợ các chương trình, đề tài có ý nghĩa thực tiễn, được thực hiện bởi những người có khả năng tại các trường. Lập Quỹ, anh Vượng muốn giữ chân người tài ở lại Việt Nam”, giáo sư Văn nói.

Giáo sư Vũ Hà Văn từng là học sinh chuyên toán trường Chu Văn An và Hà Nội Amsterdam

Về cách thức hoạt động của Quỹ, Quỹ sẽ hỗ trợ ở mức cao nhất, không có mức trần và cụ thể đầu tiên là nâng mức lương cho các nhà nghiên cứu để họ có thể sống tốt tại Việt Nam, ngay cả các sinh viên, đáp ứng các điều kiện cần thiết để họ có thể nghiên cứu trong 2-3 năm.
“Các đề tài chúng tôi muốn hướng làm về BigData trước, nhưng ý nghĩa lớn hơn là để thúc đẩy sự phát triển của khoa học Việt Nam, giữ được các nhân tài ở Việt Nam, có thể thay đổi văn hóa nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Vingroup làm như vậy vừa hỗ trợ cho các tài năng nuôi dưỡng ước mơ của họ, thậm chí nếu sản phẩm tốt còn có thể hỗ trợ cho họ sản xuất, tạo cả đầu ra – điều mà các nhà khoa học mong muốn. Khi đó họ sẽ làm việc, cống hiến hết sức mình để đem lại kết quả, thay vì như hiện nay cũng có đề tài, có nghiệm thu nhưng không mấy khi đem lại kết quả cao”, GS Vũ Hà Văn chia sẻ.
Trong câu chuyện chia sẻ với báo giới, giáo sư Vũ Hà Văn cũng nhấn mạnh là những mảng Vingroup hướng đến hỗ trợ không phải chỉ về dữ liệu mà còn rất nhiều mặt khác.
Hiện nay tập đoàn chưa tính đến chuyện thu hồi vốn, không coi đó là cách đầu tư “tôi bỏ ra từng này tiền phải nhận về từng này tiền”, mà là hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Nếu tốc độ, phong thái nghiên cứu khoa học công nghệ thay đổi, sinh viên của Việt Nam giỏi hơn, thì khi đó tập đoàn cũng nhận được cái lợi là nguồn nhân lực. Vì trong tương lai sẽ cần dùng rất nhiều sinh viên.
Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, dữ liệu tại Việt Nam chưa nhiều và phần lớn chưa ở dưới dạng chuẩn để sử dụng ngay được. Giáo sư đưa ra một ví dụ khi mới đây bị mất chứng minh nhân dân, ông ra quận để làm lại thì nhận được câu trả lời là phải lên cấp thành phố, do quận không có dữ liệu liên thông.

Chính vì thế, đây là lĩnh vực tiềm năng để người Việt khai phá, từ đó tạo dựng dữ liệu của người Việt, phục vụ cho chính người Việt.
“Anh Vượng cũng muốn xây dựng một Silicon Valley tại Việt Nam, Viện và Quỹ nằm trong bức tranh lớn đó. Đây là lần đầu tiên có một doanh nghiệp đầu tư lớn, bài bản, làm động lực cho các bạn trẻ. Khi đó nếu có dự án tốt, các bạn trẻ sẽ có điều kiện làm việc không kém gì các nước phương Tây. Tôi nghĩ khi đó sẽ thu hút được nhiều nhân tài ở lại Việt Nam hơn, họ không đi ra nước ngoài. Thậm chí những người trẻ tốt nghiệp tiến sỹ ở nước ngoài sẽ về nước nhiều hơn, là địa chỉ họ tìm đến. Dù vậy, một mình Vingroup không thể làm hết được mọi việc, sau này nếu nhà nước có cơ chế phù hợp, các đơn vị khác cũng mở ra mô hình như vậy sẽ giúp xã hội phát triển hơn”, giáo sư Vũ Hà Văn nhấn mạnh.
Viện Big Data thuộc VinTech của Vingroup sẽ theo mô hình nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng. Trước mắt các nghiên cứu sẽ tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn ngành dữ liệu lớn như học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI)…
Viện cũng tham gia đào tạo lớp tri thức mới, có trình độ cao, năng động và độc lập, kết hợp giảng dạy để đẩy mạnh các phát triển khoa học có tính ứng dụng.
 
Về giáo sư Vũ Hà Văn
Giáo sư sinh năm 1970 tại Hà Nội, từng là học sinh chuyên toán trường Chu Văn An và Hà Nội Amsterdam.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, GS Vũ Hà Văn được cấp học bổng sang học ở  Đại học Eötvös Loránd, Hungary. Ông nhận bằng tiến sĩ toán học tại Đại học Yale.
Từ năm 2001 đến 2005, ông làm việc ở Đại học California tại San Diego. Cuối năm 2005 trở thành giáo sư toán học tại Đại học Rutgers. Năm 2011 trở thành giáo sư Đại học Yale.
Ông từng đoạt giải nhì Toán toàn quốc. Đoạt giải tại cuộc thi Toán quốc tế Schweitzer năm 1991, 1992 và 1993.
Đoạt giải thưởng Sloan – một trong những giải thưởng cao nhất dành cho các nhà khoa học trẻ tại Mỹ. Đoạt giải thưởng NSF Career với phần thưởng 400.000 USD.
Ông là tác giả 104 công trình toán học đăng trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới.