Nếu nhìn vào các sự kiện công nghệ gần đây, bạn sẽ thấy Microsoft đang dần không còn là người cùng một “cõi” với Apple hay Google. Trong lúc các đối thủ vẫn liên tục hướng đến đối tượng người dùng cuối, Microsoft ngày một để cho các sản phẩm “phổ thông” của mình vào mờ nhạt. Windows 10 thậm chí còn miễn phí, Office thì giờ chủ yếu nhắc đến 365, riêng Xbox coi như đã phất cờ trắng trước PlayStation.
Nhưng nếu bạn là người làm công nghệ – đặc biệt là trong giới phần mềm, có lẽ bạn sẽ đồng ý với chúng tôi rằng Microsoft đang là gã khổng lồ đáng gờm nhất trong lĩnh vực “nền tảng” (“platform”, ý chỉ bước đệm để tạo ra các sản phẩm cho người dùng cuối). Sự đầu tư vượt bậc vào đám mây Azure, các nền tảng AI hoặc IoT ra mắt ngày một dày đặc hay thậm chí là những bước đi ngày một thân thiện với Linux đã cho thấy Microsoft thực sự “yêu” các nhà phát triển của mình.
GitHub, công cụ quá quen tên của giới coder, từ coder của startup cho đến các tập đoàn, tổ chức lớn (enterprise).
Chính bởi lý do này, thông tin rằng Microsoft đang nhòm ngó GitHub chắc chắn sẽ khiến giới phát triển tò mò. Cái tên “GitHub” có thể xa lạ với người không làm phần mềm nhưng với giới coder thì không hề: đây là kho lưu trữ mã nguồn số 1 thế giới, từng dễ dàng đánh bại “huyền thoại” SoundForge và cả Google Code và cũng gần như là tác nhân chính đưa git trở thành cơ chế quản lý mã nguồn của tương lai. Nhắc đến GitHub là vừa nhắc đến một câu chuyện startup thần kỳ, vừa nhắc đến thương hiệu rất được giới chuyên nghiệp ưa thích.
Mảnh ghép – Vương miện
Đây không phải lần đầu tiên Microsoft thực hiện bước đi tương tự. Cuối 2016, Microsoft bỏ ra tới 26 tỷ USD để mua LinkedIn, một mạng xã hội vốn không hề cạnh tranh với Facebook hay Twitter. Một số thương vụ khác ở tầm cỡ trăm triệu đô kể từ khi Satya Nadella lên tiếp quản vị trí CEO tại Microsoft cũng thường gắn với các lĩnh vực chuyên nghiệp và không mấy liên quan tới người dùng cuối: Adallom (an ninh đám mây), Cloudyn (quản lý đám mây), Xamarin (công cụ phát triển ứng dụng đa nền)…
Microsoft đang có một “hệ sinh thái” rất rộng lớn dành cho cả thế giới công nghệ nền tảng.
Cũng giống như GitHub, phần lớn cũng là những cái tên nằm ngoài tầm hiểu biết hay quan tâm của người dùng thông thường. Nhưng bởi Microsoft đã trở thành một gã khổng lồ công nghệ ở… cõi khác, tất cả đều có ý nghĩa quan trọng trong tầm nhìn của Microsoft. Nếu muốn tạo ra các “nền tảng” tốt nhất cho coder có thể thoải mái xây dựng tương lai số, Microsoft cần phải thâu tóm tất cả những cái tên vô nghĩa với người dùng phổ thông nhưng lại có thể mang lại một điều gì đó mà các lập trình viên, các phòng ban IT, các vị CTO mong muốn.
Xét ở khía cạnh này, GitHub sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn cả thương vụ mua Nokia hay Bungie Games ngày nào. Khi thảm họa Internet Explorer đã lùi xa vào quá khứ, khi “con buôn” Steve Ballmer đã nhường chỗ cho một thiên tài công nghệ thực thụ (Satya Nadella), Microsoft ngày nay đang biến mình trở thành kẻ phục vụ tận tụy nhất cho những người làm công nghệ. Dĩ nhiên, ở mặt còn lại, chính sự phục vụ tận tụy này sẽ biến Microsoft trở thành ông vua không ngai của thị trường nền tảng dành cho lập trình viên và các doanh nghiệp.
GitHub, mảnh ghép còn thiếu cho “thế giới Microsoft”.
Giờ Satya Nadella chỉ cần ra một cái giá dễ chấp nhận hơn với bộ sậu GitHub. Nhưng có là giá nào đi chăng nữa, với Microsoft vẫn sẽ là rẻ. Không phải bởi Microsoft đang có giá trị vượt qua cả Google, mà là bởi một tương lai vô cùng tươi sáng: nếu đứng cạnh những sản phẩm “bá chủ” như Windows 10 Pro, Office 365, Azure, Exchange, Xamarin, LinkedIn hay Cognitive Services, GitHub sẽ mảnh ghép quan trọng để “hệ sinh thái nền tảng” của Microsoft trở nên đầy đủ và uy lực hơn bất kỳ đối thủ nào, bao gồm cả Amazon hay Google. Đó cũng sẽ là ngôi vương đặt lên đầu Microsoft: chẳng có dịch vụ lưu trữ/quản lý code nào “bá chủ” hơn GitHub cả, Amazon hay Google làm sao có thể sinh ra vũ khí để chống chọi lại. Microsoft đã mua lại GitHub, sẽ sớm công bố chi tiết hơn về thương vụ này vào ngày mai