Trong vài năm qua, Google đã thử nghiệm một thuật toán tìm hiểu cách tốt nhất để điều chỉnh hệ thống làm mát, gồm quạt, thiết bị thông gió và các thiết bị khác, để giảm mức tiêu thụ điện năng.
Hệ thống này trước đây đã đưa ra các khuyến nghị cho các nhà quản lý trung tâm dữ liệu, những người sẽ quyết định có thực hiện chúng hay không, với thuyết minh rằng AI giúp tiết kiệm năng lượng khoảng 40% trong các hệ thống làm mát đó.
Hiện giờ, Google đã trao quyền điều khiển, quản lý làm mát tại một số trung tâm dữ liệu của nó cho thuật toán AI.
“Đây là lần đầu tiên một hệ thống điều khiển công nghiệp tự động sẽ được triển khai ở quy mô này, theo hiểu biết của chúng tôi”, Mustafa Suleyman, người đứng đầu DeepMind, công ty con chuyên nghiên cứu AI có trụ sở tại Luân Đôn của Google, cho biết.
Dự án cho thấy tiềm năng của trí tuệ nhân tạo để quản lý cơ sở hạ tầng, và cho thấy các hệ thống AI tiên tiến có thể làm việc như thế nào trong sự hợp tác với con người. Mặc dù thuật toán chạy độc lập nhưng con người quản lý vẫn có thể can thiệp trong trường hợp thuật toán chạy sai.
“Dự án có thể tạo ra hàng triệu đô la nhờ tiết kiệm năng lượng và giúp công ty giảm phát thải cacbon” – Joe Kava, Phó Chủ tịch trung tâm dữ liệu của Google cho biết.
Ông Kava nói rằng, các nhà quản lý tin tưởng vào hệ thống này và rất ít lo ngại về việc trao ​​quyền kiểm soát cho AI. Tuy nhiên, Google vẫn cho phép con người ngăn chặn nó làm bất cứ điều gì có ảnh hưởng xấu đến việc làm mát.
Một người quản lý trung tâm dữ liệu có thể xem hệ thống đang hoạt động, xem mức độ tin cậy của những gì thuật toán muốn thay đổi và can thiệp khi cần.
Vấn đề tiêu thụ năng lượng bởi các trung tâm dữ liệu đã trở thành một vấn đề bức xúc đối với ngành công nghiệp công nghệ cao. Một báo cáo năm 2016 từ các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley thuộc bộ Năng lượng Mỹ cho thấy các trung tâm dữ liệu của Mỹ đã tiêu thụ khoảng 70 tỷ kilowatt/giờ trong năm 2014, tương đương khoảng 1,8% tổng lượng điện nước Mỹ sử dụng cả năm.
H.Y (theo Technology Review)