Trong hội thảo thường niên của công ty, các nhà điều hành của Google đã nhấn mạnh rằng AI là cốt lõi của sản phẩm của họ, và họ đã thể hiện sự tiến bộ của công nghệ này trong Gmail, Maps, và trợ lý ảo thông minh của hãng. Đồng thời, Google cũng đã bắt đầu tìm cách giải quyết các vấn đề nhức nhối trong làng công nghệ như tình trạng nghiện thiết bị công nghệ, bằng cách ra mắt các công cụ Android mới để giúp người dùng kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị di động.
CEO của Google, ông Pichai phát biểu rằng, công nghệ có thể là một lực lượng mang tính tích cực. Tuy nhiên, công ty không thể cứ lạc quan về những tác động tiềm năng của những sáng chế mới này.
Ông chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy có một trách nhiệm sâu sắc trong việc làm cho những thứ này đi đúng hướng.”
Từ trước đến nay, Google vẫn luôn muốn chứng tỏ mình là một quán quân cẩn trọng, hiền lành trong làng AI. Đồng sáng lập, và đồng thời cũng là chủ tịch của Alphabet, ông Sergey Brin đã dành ra nhiều phần trong lá thư gửi cổ đông hàng năm để nói về điều này.
Trong thư, ông Brin đã viết: “Tôi hy vọng công nghệ học máy sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng, và rằng Alphabet sẽ tiếp tục trở thành một nhà lãnh đạo, cả về mặt công nghệ lẫn đạo đức trong lĩnh vực này.”
Dạo gần đây, cả Silicon Valley đang phải hứng chịu phản ứng dữ dội từ phía cộng đồng do những sự cố liên quan đến tin tức giả mạo, rò rỉ dữ liệu, những sản phẩm công nghệ gây nghiên. Vì thế, có lẽ cách tiếp cận của Google là hoàn toàn hợp lý. Vì công ty đã và đang thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ từ phía người dùng, họ sẽ cần người dùng phải tiếp tục tin tưởng họ, khi mà dữ liệu đang ngày càng trở nên cần thiết cho sự phát triển của công nghệ.
Trong hội thảo, Google đã vẽ ra một cái nhìn lạc quan về tương lai của AI, với những câu chuyện cảm động: AI đang giúp các bác sĩ chuẩn đoán được bệnh tật nhanh hơn, hay tạo ra những phụ đề chi tiết hơn trên YouTube cho người mù.
Tuy nhiên, có một sản phẩm đã khiến không ít người theo dõi sự kiện phải sởn gai ốc.
Công ty đã trình diễn công nghệ trợ lý thông minh bằng cách bắt nó gọi điện đến các doanh nghiệp địa phương. Giọng nói nghe rất giống người, thậm chí còn thỉnh thoảng chèn âm “ừm” hay các thói quen ngôn ngữ của con người. Người được thử nghiệm đã không hề biết rằng mình đang nói chuyện với một con robot.
Đây hẳn là một thành tựu lớn cho ngành AI, song, nó cũng dấy lên một số câu hỏi về đạo đức:
Tôi thực sự cảm thấy lo ngại và bối rối vì nó đã sai về mặt đạo đức khi mà trợ lý Google Assistant cư xử như người thật và lừa những con người bên đầu dây bên kia của điện thoại, sử dụng cả những đặc điểm ngôn ngữ đặc biệt. “Xin chào, ừm, bạn có lịch hẹn mở vào ngày mùng 3 tháng 5 hay không?”
Một trong những nhà thiết kế sản phẩm đã trả lời phỏng vấn rằng trợ lý thông minh Assistant sẽ tự tiết lộ mình ra robot khi sản phẩm được tung ra.
Nhìn chung, bài diễn thuyết của Google khá là nhất quán. Giám đốc của Maps, bà Jen Fitzpatrick, đã tóm tắt lại tại đoạn cuối của bài thuyết trình: “AI sẽ luôn có thể giúp đỡ người dùng bằng nhiều cách khác nhau.”
Khi cuộc cạnh tranh giữa Google và các công ty công nghệ lớn khác Apple, Facebook, Amazon và Microsoft trên mọi phương diện đang ngày càng trở nên gay gắt, việc cố gắng thuyết phục các nhà phát triển và công chúng về sự hữu ích và nhân từ của AI quả là một nước đi thông minh.
Tham khảo CNBC