Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc tế về Viễn thông Tiên tiến Nhật Bản (Advanced Telecommunications Research Institute International) đã chứng minh rằng những người khỏe mạnh cũng có thể sử dụng cánh tay robot để “đa nhiệm” một cách hiệu quả hơn.
Theo ZDNet, trong bài viết xuất bản trên tạp chí Science Robotics, các nhà nghiên cứu đã mô tả một thử nghiệm: cho những người khỏe mạnh sử dụng não bộ để điều khiển một cánh tay robot trong khi họ vẫn dùng tay của mình để làm các việc khác.

Thí nghiệm này có thể xóa mờ đi ranh giới giữa người và máy cũng như mang đến một cái nhìn tổng quan về việc những khả năng của máy móc có thể giúp con người như thế nào ngoài đời thực. Hiện tại, các cyborg (người nửa máy) đã tồn tại quanh chúng ta – ví dụ, người mù màu được cấy ghép ăngten vào não để có thể phân biệt được màu sắc, hay các biohacker (cụm từ chỉ những người tự cấy thiết bị công nghệ vào cơ thể) nhúng chip RFID, NFC vào tay của họ để mở cửa, thực hiện thanh toán, hoặc lưu trữ dữ liệu cá nhân. Giờ đây ta có thể thêm cánh tay thứ ba vào danh sách những cách tích hợp công nghệ với sinh học kỳ lạ nhưng đặc biệt hiệu quả.
Trong thí nghiệm, những người tham gia sẽ có một chiếc mũ gắn điện cực và ngồi trên ghế với cánh tay robot giống như tay người ở bên cạnh. Mục đích của người dùng cánh tay robot sẽ được giải mã qua sóng não, và cánh tay giả sẽ được lập trình để nắm lấy một cái chai.
Cánh tay robot được đặt ở vị trí cao ngang vai và mặc quần áo bình thường, bởi vì các nghiên cứu trước đây cho thấy, giao diện điều khiển bộ não và máy (ví dụ các robot điều khiển bằng bộ não) sẽ làm việc tốt hơn nếu người dùng có thể cảm nhận robot như một phần cơ thể sinh học của họ.
Với cách thiết lập này, những người tham gia nghiên cứu sẽ điều khiển cánh tay robot bằng cách tưởng tượng nó đang nắm lấy cái chai, trong khi cùng lúc đó, họ sử dụng tay của mình để giữ thăng bằng quả bóng trên một tấm bảng.

Điều thú vị là kết quả lại chia ra thành hai nhóm riêng biệt, một nhóm làm tốt và một nhóm làm kém hơn. Trong số 15 người tham gia nghiên cứu, có 8 người thành công trong phần lớn số lần thử (đến 85%), trong khi 7 người còn lại chỉ có thể hoàn thành được công việc trong 52% số lần thử.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự khác biệt giữa những người đa nhiệm tốt và những người kém đa nghiệm có thể do sự khác biệt về bản năng tự nhiên của những người tình nguyện chứ không phải do giao diện điều khiển máy và bộ não.
Dù vậy, đây vẫn chỉ là một nhóm thử nghiệm nhỏ (với có bốn người phụ nữ và một người thuận tay trái) nên không thể kết luận được tại sao một số người giỏi đa nhiệm còn những người khác thì không, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có một cách giải thích cho điều đó là: một số người có bản năng tự nhiên về phối hợp giữa tay và mắt tốt hơn người khác.
Nguyễn Hải