Sau hai năm triển khai, 108.000 học sinh vùng khó khăn nâng cao hiệu quả học tập nhờ tiếp cận chương trình Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính…
Quan sát thấy các bạn cùng lớp thường gõ bàn phím bằng một tay hoặc một ngón tay, Bùi Thanh Tâm, học sinh lớp 9A trường THCS Thượng Cốc (Hòa Bình) đã lập trình trò chơi học tập “Luyện gõ bàn phím”. Còn tại Thái Nguyên, em Hoàng Duy Tiên, học sinh lớp 9D, trường THCS Nam Hòa, đã lập trình chương trình “An toàn giao thông” để giúp các bạn cùng lớp tìm hiểu kiến thức về việc sử dụng các phương tiện giao thông an toàn và đúng luật, một cách vui nhộn và dễ tiếp cận hơn những giờ học lý thuyết thông thường. Các em Tâm và Tiên chỉ là hai trong số hàng ngàn học sinh đang được tiếp cận và bước đầu ứng dụng khoa học máy tính để nâng cao hiệu quả học tập và giải quyết các vấn đề của cuộc sống tại các vùng miền núi và nông thôn của Việt Nam.

Khu vực miền núi và nông thôn phải đối mặt với rất nhiều thách thức về phát triển và hội nhập. Trước bối cảnh đó, giáo dục công nghệ thông tin (CNTT) được xem như một trong những chìa khóa quan trọng để giúp người dân thay đổi cuộc sống và không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, do điều kiện kinh tế và xã hội còn khó khăn, các em học sinh thế hệ lao động tại địa phương trong tương lai chưa có nhiều có cơ hội tiếp cận với những chương trình giáo dục tiên tiến. 

Hoc sinh vung kho khan nang cao hieu qua hoc tap nho tin hoc ung dung

Từ năm 2016, để tạo điều kiện cho các em học sinh vùng khó học tập chương trình giáo dục Tin học hiện đại và cập nhật, Cục CNTT Bộ Giáo dục và Đào tạo, Microsoft Việt Nam và Trung tâm CNTT truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) phối hợp triển khai dự án “Tăng cường kỹ năng Công nghệ thông tin (CNTT) cho giới trẻ hội nhập và phát triển” trên địa bàn khó khăn của 12 tỉnh/thành phố. Hướng đến mục tiêu cung cấp kiến thức và kỹ năng giúp học sinh không những sử dụng công nghệ thành thạo mà còn có thể tạo ra công nghệ, dự án đã xây dựng chương trình Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính để tổ chức dạy thí điểm vào giờ ngoại khóa, bao gồm các chủ đề về Ứng dụng CNTT, Dựng phim, Đồ họa 2D-3D, Lập trình 2D-3D và An toàn sử dụng Internet. Các kết quả đạt được đã đánh dấu thành công của dự án trong việc thu hẹp khoảng cách số, khơi dậy niềm đam mê, phát triển những kiến thức và kỹ năng về khoa học máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin cho thanh thiếu niên tại các khu vực khó khăn.

Em Bùi Thanh Tâm tác giả của chương trình “Luyện gõ bàn phím” chia sẻ: “Sản phẩm này giúp em rèn luyện đôi tay và sự nhanh nhẹn, cải thiện kết quả học tập. Điều em vui hơn cả là nó có thể giúp đỡ những người khác cũng có niềm yêu thích máy tính như em. Em hy vọng có thể áp dụng sản phẩm cho tất cả các lớp trong trường và lan rộng ra các trường khác, giúp các bạn có cơ hội trau dồi kĩ năng, từ đó tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ để hội nhập và phát triển”. 
Ông Phạm Thế Trường Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ: “Microsoft tự hào đồng hành cùng dự án trong suốt thời gian qua. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hỗ trợ các thanh thiếu niên vùng khó, mang lại cơ hội tiếp cận kiến thức CNTT và khoa học máy tính một cách sâu rộng hơn,  đồng thời nhân rộng các sáng kiến về giáo dục CNTT trong khuôn khổ chương trình YouthSpark tại Việt Nam”.
Theo ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, kết quả dự án hỗ trợ đắc lực việc dạy môn Tin học chính khóa trong các nhà trường, mở cơ hội tiếp cận kỹ năng CNTT, tạo hứng thú đam mê cho học sinh các vùng khó khăn. Đây cũng là dịp thử nghiệm để đổi mới phương thức dạy Tin học trong nhà trường. Sản phẩm và kinh nghiệm của dự án có ý nghĩa hỗ trợ đổi mới hoàn thiện và triển khai chương trình môn Tin học theo chương trình phổ thông mới sắp tới.
Hiền Mai
Loading…

VietBao.vn