Trong năm 2016, có khoảng 10% lượng điện năng tiêu trên toàn thế giới được sử dụng để chạy điều hòa. Mặc dù vậy, phân bổ lượng điện dùng cho điều hòa giữa các quốc gia rất khác nhau, khi những nơi được cho là nóng nhất hành tinh lại hiếm khi được sử dụng điều hòa.
Theo một báo cáo mới đây từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mọi thứ có thể sớm thay đổi trong thời gian tới. IEA dự báo đến năm 2050, lượng điện năng trên toàn cầu sử dụng cho điều hòa sẽ tăng gấp 3 lần, tương đương với tổng nhu cầu điện năng hiện nay của Trung Quốc.
Lục địa Châu Phi là một trong số những nơi nóng nhất trên Trái Đất do nằm ở chí tuyến, nhưng chưa đầy 5% dân số tại Châu Phi đủ điều kiện sở hữu điều hòa.
Theo Quartz, năng lượng sử dụng để làm mát ở Châu Phi chỉ đạt 35kWh/người. Trong khi đó tại Ấn Độ, quốc gia cũng có phần lớn tiểu bang luôn phải đối mặt với nắng nóng quanh năm có mức sử dụng điện cho điều hòa đạt 70 kWh. Tuy nhiên nếu so với các quốc gia coi điều hòa như một thứ bình dân, ai cũng có thì những con số trên chưa thấm vào đâu.
Lấy ví dụ ở Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nơi người dân sử dụng tới 800 kWh mỗi năm để chạy điều hòa. Có tới 91% nhà dân tại Nhật Bản và 86% tại Hàn Quốc có lắp đặt điều hòa. Tại Mỹ, con số này là 90% và lượng tiêu thụ điện năng cho điều hòa của quốc gia này thậm chí rất khủng khiếp, lên tới 1.880 kWh.
Người dân tại các quốc gia phát triển và giàu tiềm lực tài chính có cơ hội sống với điều hòa nhiều hơn
Theo IEA, thế giới hiện có 1,6 tỷ chiếc điều hòa đã được lắp đặt và sử dụng. Đặc biệt 23% trong số đó do Mỹ sở hữu. Nói cách khác, 328 triệu người dân Mỹ đang tiêu thụ lượng điện năng để làm mát nhiều hơn cả 4,4 tỷ người dân sống tại Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh, Trung Đông và Châu Á (trừ Trung Quốc).
Tuy nhiên mọi thứ có thể sớm thay đổi khi nhu cầu về điều hòa đang tăng mạnh tại các quốc gia đang phát triển. Theo dự báo của IEA, doanh số bán điều hòa đang tăng lên, đặc biệt tại Ấn Độ, Indonesia và Trung Đông.
Nhiều người có điều kiện tiếp xúc với điều hòa là một thông tin tốt. Bởi lẽ điều hòa hứa hẹn sẽ làm chất xúc tác kỳ diệu cho nền kinh tế quốc gia và chất lượng cuộc sống. Người sáng lập và lãnh đạo Singapore từ 1959 tới 1990, Lý Quang Diệu được coi là nhân tố đóng góp thành công lớn thứ hai của Singapore nhờ những chính sách ưu tiên sử dụng điều hòa tại các tòa nhà hành chính công
Ông coi điều hòa là chiếc chìa khóa toàn năng giúp tăng hiệu quả cho các hoạt động dân sự và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Mặc dù vậy, chính sách trên của Lý Quang Diệu đã khiến Singapore phải tiêu tốn một lượng lớn nhu cầu điện năng, hơn 50% tổng lượng điện của đất nước cho điều hòa không khí vào mùa cao điểm. Tại Ả Rập Xê-út, nơi người dân sử dụng điều hòa quanh năm, 70% tổng lượng điện năng của quốc gia này chủ yếu để làm mát.
Tại Trung Quốc, quốc gia hiện chiếm 35% tổng số điều hòa lắp đặt trên thế giới. Đặc biệt Trung Quốc đang sử dụng điện để làm mát nhiều hơn gấp 68 lần so với năm 1990. Tỷ lệ lắp đặt mới điều hòa ở quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn đang tiếp gia tăng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Những con số do IEA công bố rất đáng lo ngại nhưng để giải quyết tình trạng này lại không hề đơn giản. IEA tiết lộ, cách duy nhất để ngăn chặn và hạn chế nhu cầu năng lượng hiện nay là phát triển các quy tắc sử dụng điều hòa sao cho hiệu quả và tiết kiệm điện năng hơn. Hiệu quả từ việc tiêu thụ điện năng ít hơn chắc chắn sẽ tạo ra một hiệu ứng vô cùng tích cực cho ngành công nghiệp năng lượng.
Theo một phân tích từ phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley hồi năm 2015 cho thấy, nếu hiệu suất tiêu thụ điện năng của điều hòa được cải thiện 30% trên quy mô toàn cầu trước năm 2030, chúng ta có thể giảm được nhu cầu điện năng vào mùa cao điểm, tương đương với mức sản lượng điện năng tạo ra từ 710 nhà máy điện than cỡ vừa.
Tiến Thanh