Sáng 17/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Khoa học & Công nghệ ngành Thông tin Truyền thông (TTTT) năm 2018. Hội nghị Khoa học & Công nghệ (KHCN) ngành TTTT là hội nghị thường niên được tổ chức hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học & Công nghệ Việt Nam (18/5).
Nhân ngày Viễn thông thế giới – Xã hội thông tin (17/5), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã phát động chủ đề của năm 2018 là “Tạo điều kiện sử dụng mặt tích cực của trí tuệ nhân tạo cho mọi người”. Đây là nền móng để thế giới và Việt Nam bước vào cuộc CMCN 4.0, cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi sâu sắc cách sống, làm việc và giao tiếp của con người.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm xem khoa học công nghệ là nền móng để Việt Nam hướng tới cuộc CMCN 4.0. Ảnh: Trọng Đạt
Trên cơ sở thông điệp ngày Khoa học & Công nghệ Việt Nam (18/5), chủ đề ngày Viễn thông thế giới (17/5) và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, hội nghị KHCN ngành TTTT năm 2018 diễn ra với chủ đề: Nghiên cứu, phát triển sản phẩm ICT hướng tới Cách mạng Công nghệ 4.0.
Theo ông Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ TT&TT, Bộ luôn xác định hoạt động KHCN là nền tảng để sản xuất ra được những sản phẩm công nghệ hiện đại.
Các doanh nghiệp ICT cũng đã nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao như Thiết bị báo hiệu cứu hộ trên biển được cấp chứng chỉ quốc tế của COSPAS-SARSAT, Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS 3.0 của Viettel, Thiết bị học tập và giải trí tập trung phục vụ nhu cầu gia đình SmartBox 2 của VNPT.
“Các sản phẩm, dịch vụ này sẽ góp phần giúp Việt Nam xây dựng hệ sinh thái số lớn mạnh, đủ khả năng bắt kịp chuyến tàu CMCN lần thứ 4 của thế giới”, Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho biết, Bộ luôn khuyến khích các đơn vị nghiên cứu trong ngành tham gia các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia thuộc các chương trình KHCN cũng như các nhiệm vụ độc lập. Đến nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ đang thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia phục vụ trực tiếp các vấn đề về cơ sở lý luận phục vụ quản lý nhà nước, các vấn đề về phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực TTTT.
Hội nghị Khoa học & Công nghệ ngành Thông tin Truyền thông năm 2018. Ảnh: Trọng Đạt
Đối với các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, Bộ TT&TT luôn triển khai nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước dành cho KHCN. Kết quả của các công trình này giúp làm rõ những vấn đề lý luận và tổng kết thực tiễn về phát triển ngành TT&TT.
Bên cạnh đó, Bộ cũng hướng tới việc đề xuất hệ thống các giải pháp phát triển cho từng ngành, lĩnh vưc, đồng thời chủ động nghiên cứu đón đầu công nghệ mới nhằm xây dựng chính sách quản lý phù hợp (bao gồm 5G, AI, kinh tế số, Blockchain…).
Về thực tế triển khai, Bộ đã tổ chức nghiên cứu, hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về CNTT&TT trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam. Bộ TT&TT cũng đã tổ chức nghiên cứu, định hướng việc thích ứng với CMCN 4.0 ở Việt Nam và tham gia cùng Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Đề án Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam.
Để hoạt động KHCN tiếp tục trở thành động lực phát triển ngành TT&TT, gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới hướng đến CMCN 4.0, Thứ trưởng Phan Tâm đặt ra nhiều nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong ngành.
Nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường trao đổi thông tin về hoạt động KHCN giữa các đơn vị quản lý, nghiên cứu và các doanh nghiệp để gắn kết nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và người dân.
Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu các đơn vị trong ngành đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN các cấp với nội dung tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, CNTT trọng điểm, xây dựng và phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Tâm cũng thúc giục việc làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo các thiết bị phần cứng, công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0.
Cuối cùng, Thứ trưởng Phan Tâm giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong toàn ngành về việc thúc đẩy ứng dụng KHCN, định hướng, lựa chọn ứng dụng các tiến bộ khoa học, các hoạt động đầu tư, mua bán, chuyển giao công nghệ nhằm xây dựng, triển khai các dự án phát triển công nghệ, tạo lập thị trường KHCN tại Việt Nam.
Trọng Đạt