Câu chuyện về bạo hành trẻ nhỏ ở các cơ sở mầm non tư thục không phải vấn đề mới. Cơ quan chức năng cũng đã xử phạt hành chính và hình sự đối với các cá nhân cơ sở vi phạm.
Song sau mỗi lần như vậy, chúng ta thấy thêm những vụ bạo hành mới với tần suất phát hiện lớn, tính chất nghiêm trọng ngày một phức tạp hơn.
Bản chất của giáo dục xuất phát từ sự yêu thương, từ trái tim khối óc biết cảm thông chia sẻ với mầm non của đất nước. Việc chăm sóc nuôi dạy một đứa trẻ được sánh như công trình thuỷ điện vĩ đại, nếu thành công thì đó là một kì quan, nếu thất bại sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Trẻ em ngây thơ vô tội, chúng đến với thế giới đầy lạ lẫm này bằng con mắt trong veo ngơ ngác. Ấy vậy vẫn có những đứa bé đáng thương phải chịu đòn roi, vết thương bầm tím.
Tôi tự hỏi: Một khi nhận thức của các em còn chưa hình thành, chúng hiểu làm sao được những gì đang xảy ra với mình? Nếu có sẽ là những ám ảnh đáng sợ với đòn roi và cả những lời quát tháo doạ nạt. Sang chấn tâm lý đó sẽ để lại vết hằn in sâu vào trí nhớ của những đứa bé tội nghiệp ấy suốt đời.
Richard L.Evans: “Trẻ nhỏ không nhớ bạn vì vật chất bạn cho chúng, chúng nhớ đến bạn chỉ bởi yêu thương”
Không yêu đừng gieo trái đắng
Tôi viết những dòng này với đầy trăn trở khi nghe các câu chuyện xung quanh vấn đề “Cô nuôi dạy hổ”.
Tôi không muốn nói đến những người mua bằng cấp giả, những người không có một chút kiến thức cơ bản nào, tôi chỉ cảm thấy tiếc cho các cô giáo bạo hành trẻ nhỏ đã từng được huấn luyện nghiệp vụ sư phạm trên ghế nhà trường, chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà gây ra tội lỗi khiến dư luận ghét bỏ, lên án.
Tôi thông cảm cho môi trường lao động vất vả đồng lương ít ỏi trong khi cơ chế ngày một bất cập, nhưng tôi không thể đồng tình với việc thanh minh cho hành vi ấy vì áp lực công việc, vì muốn răn dạy trẻ nhỏ, vì truyền thống xưa cổ “thương cho roi cho vọt”.
Đó là bạo lực.
Bạo lực chỉ có thể được che đậy với một lời nói dối, và lời nói dối chỉ có thể duy trì nhờ bạo lực.
Khi họ đã lấy bạo lực ra làm cách thức thì chắc chắn sẽ buộc phải lấy dối trá làm nguyên tắc. Mọi chuyện được đưa ra ánh sáng, họ sẽ nói gì khi phải đối chất với phụ huynh, với chính những em nhỏ mà họ nhẫn tâm đánh đập?
“Trên tất cả, trẻ em xứng đáng với tình yêu thương vô điều kiện, ngay cả khi chúng thành công hay mắc sai lầm, dù cuộc sống giản đơn hay phức tạp” – Barack Obama.
Tôi cho rằng cần phải thắt chặt hơn vấn đề kiểm định chất lượng trước khi cấp phép cho các cơ sở giáo dục tư thục hoạt động và quyết liệt đình chỉ các cơ sở mầm non “bẩn”. Sự tự phát của các nhóm, trung tâm, cơ sở giáo dục này tiềm ẩn tình trạng mất an toàn trong công tác chăm sóc trẻ.
Thiết nghĩ, những ai muốn theo con đường giáo dục, nhất là khi trực tiếp chăm sóc dạy dỗ gắn bó với con trẻ cần phải có định hướng nghề nghiệp thật sự nghiêm túc. Hơn hết, phải có tấm lòng yêu thương, bao dung trẻ kể cả khi chúng phạm lỗi.
Đừng gieo trái đắng trên mảnh đất yêu thương. Quan trọng không phải là sự yêu thương mà bạn xây dựng. Quan trọng là sự yêu thương mà bạn trao đi.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
VietBao.vn