Trong số các hãng công nghệ lớn cùng tham gia vào hiệp định này có các “ông lớn” công nghệ như Microsoft, Facebook, Dell, HP, Cisco, Oracle, Nokia, VMWare cùng nhiều hãng bảo mật như Avast, Symantec, TrendMicro…
Danh sách 34 hãng công nghệ cùng tham gia hiệp định với rất nhiều cái tên lớn
Tham gia hiệp định này, các công ty cam kết sẽ cùng nhau bảo vệ khách hàng trên toàn cầu, “bất kể mục tiêu của các cuộc tấn công mạng”. Các công ty cũng cam kết không giúp đỡ chính phủ các quốc gia tung ra những cuộc tấn công mạng nhằm vào công dân và các doanh nghiệp vô tội, đồng thời giúp đỡ mọi người dùng tự bảo vệ mình thông qua phát triển chung các phương thức và tính năng bảo mật mới. Các công ty tham gia hiệp định cũng cam kết sẽ hành động tập thể để nâng cao sự hợp tác kỹ thuật, chia sẻ mối đe dọa và hơn thế nữa.
“Những vụ tấn công khủng khiếp từ các năm trước cho thấy an ninh mạng không phải là vấn đề mà một công ty đơn lẻ có thể chống lại được mà chúng ta cần phải hành động cùng nhau”, Brad Smith, Chủ tịch Microsoft cho biết về hiệp định vừa ký kết. “Hiệp định công nghệ này sẽ giúp chúng ta đi theo con đường hướng tới các bước hiệu quả hơn để làm việc cùng nhau và bảo vệ khách hàng trên khắp thế giới”.
Mặc dù hiệp định này đã thu hút được 34 hãng công nghệ cùng ký kết, nhưng cũng thiếu đi nhiều “đại gia công nghệ” hàng đầu thế giới khác như Apple, Amazon hay Google. Dù vậy đây là một hiệp định mở cho nên rất có thể sẽ có thêm những hãng công nghệ khác, bao gồm những cái tên lớn kể trên, sẽ ký kết tham gia hiệp định trong tương lai.
Trong bối cảnh nhiều cuộc tấn công mạng quy mô lớn trên toàn cầu, chẳng hạn vụ phát tán mã độc tống tiền WannaCry vào năm ngoái, Hiệp định Công nghệ An ninh máy tính có thể xem là một bước tiến quan trọng cho ngành công nghệ cao trong việc tìm giải pháp giảm nhẹ các cuộc tấn công mạng hoặc phát tán mã độc trong tương lai.
T.Thủy