Theo TechCrunch, trong bài đăng trên blog của mình, Giám đốc công nghệ của Microsoft AI & Research David Ku đã viết rằng “với việc thâu tóm Semantic Machines, chúng tôi sẽ thiết lập nên một trung tâm đàm thoại AI đỉnh cao tại Berkeley để đạt đến những ranh giới khả thi trong các giao diện ngôn ngữ“.
Semantic Machines được thành lập vào năm 2014 và đã gọi vốn được 20,9 triệu USD từ các nhà đầu tư như General Catalyst và Bain Capital Ventures.
Năm 2016, nhà đồng sáng lập và nhà khoa học trưởng Dan Klein cho biết “công nghệ hội thoại ngày nay chủ yếu là trực giao. Bạn muốn một hệ thống đàm thoại có ngữ cảnh, để khi phiên dịch một câu nói, mọi thứ đều nằm trong sự liên hệ với nhau“. Bằng cách tập trung vào bộ nhớ, Semantic Machines khẳng định AI của mình có thể tạo ra các đoạn hội thoại không chỉ trả lời hay dự đoán các câu hỏi chính xác hơn, mà còn trôi chảy hơn – một điều mà Siri, Google Assistant, Alexa, Cortana và các trợ lý ảo khác vẫn đang rất khó khăn để đạt được.
Thay vì tự mình phát triển các sản phẩm tiêu dùng, Semantic Machines tập trung vào các khách hàng doanh nghiệp. Có nghĩa là, công nghệ của hãng sẽ tương thích tốt với các sản phẩm đàm thoại dựa trên AI của Microsoft, bao gồm Microsoft Cognitive Services và Azure Bot Service – các dịch vụ mà Microsoft cho biết có hơn 1 triệu người dùng và 300.000 nhà phát triển – cùng với các trợ lý ảo như Cortana và XiaoIce.