Thiên thạch này có kích cỡ to như một sân bóng đá và theo thông báo của NASA thì ngày 15/5, thiên thạch đã bay sượt qua Trái đất. Thật may, Trái đất và thiên thạch vẫn có đủ một khoảng cách an toàn nên đã không gây ra thảm họa nào.
NASA đã phát hiện ra thiên thạch này từ năm 2010 nhưng chưa xác định được đường đi rõ ràng của nó. Cho đến gần đây, đường đi qua Trái đất của thiên thạch mới được các nhà thiên văn học xác định là chỉ bay qua Trái đất chứ không thể đâm vào hành tinh của chúng ta.
Khi bay qua Trái đất, khoảng cách giữa thiên thạch này và Trái đất là một nửa quãng đường từ Trái đất đến Mặt trăng. NASA đặt tên cho thiên thạch này là 2010 WC9 và đã theo dõi sát sao đường đi của nó. Thời điểm 2010 WC9 đến gần Trái đất nhất là 22h4 ngày 15/5 (giờ GMT).
Trái đất suýt bị thiên thạch đâm vào.
Khoảng cách gần nhất là 193.000km khi thiên thạch bay sát bờ biển khu vực Nam Cực. 2010 WC9 có kích thước 60x120m và bay với vận tốc 12,9km/giây. Trên Trái đất, nơi có thể quan sát thiên thạch này rõ nhất là ở Nam Phi, cụ thể hơn là nơi đặt các kính thiên văn của thành phố Cape Town.
NASA cho biết, trong hai thế kỷ qua, đây là thiên thạch bay sát Trái đất nhất. Các nhà khoa học đang theo dõi sát sao khoảng 10.000 thiên thạch đang bay gần Trái đất để phát hiện sớm nguy cơ chúng đâm vào hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, theo NASA, con số này còn thiếu và có nhiều thiên thạch có thể gây nguy hiểm cho Trái đất hơn, nhưng NASA lại không có đủ tiền để theo dõi chúng.
Giám đốc chương trình Những vật thể gần trái đất của NASA, Lindley Johnson, cho biết những thiên thạch có đường kính từ 140 – 1.000km có thể phá hủy hoàn toàn một vùng rộng lớn trên Trái đất.