Theo NASA, một tiểu hành tinh khổng lồ vừa bay sượt qua Trái đất sáng 16-5 – Ảnh: Time
Trước đó trong thông báo ngày 15-5, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết tiểu hành tinh WC9 2010 tiến gần nhất Trái đất vào lúc 22h04 ngày 15-5 (theo giờ GMT, tức 5h04 sáng 16-5) ở khoảng cách khoảng 200.000km.
Các kính thiên văn đặt ở thành phố Cape Town của Nam Phi có thể quan sát được kWC9 2010 rõ nhất. Nó có kích thước 60x120m và bay với vận tốc 46.116 km/h.
Theo EarthSky, đây là tiểu hành tinh bay sát Trái đất nhất trong 300 năm qua.
Tiến sĩ Paul Chodas – giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vật thể gần Trái đất tại Phòng thí nghiệm phản lực của NASA ở Pasadena, California, cho biết các nhà thiên văn học phát hiện WC9 2010 vào năm 2010.
Tuy nhiên sau đó các nhà khoa học bị ‘mất dấu’ WC9 2010 do nó trở nên quá mờ, theo Sapce.com. Đến ngày 8-5, các nhà khoa học mới phát hiện lại nó và theo dõi nó sát sao.
WC9 2010 tiến gần nhất Trái đất vào 5h04 sáng 16-5 – Ảnh: NASA
WC9 2010 không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng nó có thể được phát hiện thông qua một số kính thiên văn.
Trưa 15-5 (giờ Việt Nam), các nhà thiên văn học tại Ý và Mỹ đã chụp được hình ảnh nó. Vào thời điểm đó, nó còn cách Trái đất 730.000 km.
Tiến sĩ Paul Chodas cho biết từ khi phát hiện WC9 2010, họ đã xác định nó không gây đe dọa đến Trái đất. Thay vào đó nó chỉ bay ngang qua với khoảng cách tương đương một nửa quãng đường từ Trái đất tới Mặt trăng – 203.000km.