Trực thăng robot do NASA chế tạo. Ảnh: NASA
Theo NASA, chiếc máy bay này có trọng lượng chưa đầy 1,8 kg và phần thân chính của nó có kích cỡ chỉ tương đương với một quả bóng mềm. Trực thăng bay nhanh gấp 10 lần trực thăng ở trái đất với tốc độ cánh quạt lên tới 3.000 vòng/phút.
Cho dù trọng lực ở Sao Hỏa chỉ bằng 38% trái đất nhưng việc một phương tiện duy trì độ cao trên hành tinh đỏ lại khó khăn hơn nhiều so với trái đất bởi bầu không khí ở đó rất mỏng.
Kỷ lục bay cao nhất của trực thăng ở trái đất là hơn 12 km. Tuy nhiên, với điều kiện trên Sao Hỏa, để có thể bay là là sát mặt đất, cỗ máy đã phải đủ mạnh mẽ để bay cao hơn 30 km ở trái đất!
“Để làm cho nó bay được trong mật độ không khí thấp đó, chúng tôi phải xem xét kỹ lưỡng mọi thứ, làm cho nó càng nhẹ càng tốt và mạnh mẽ nhất có thể” – ông Mimi Aung, giám đốc dự án, cho biết.
Máy bay được đựng bên trong tàu thám hiểm sao Hỏa 2020 – một robot có bánh với mục đích chính là nghiên cứu tính khả thi của việc sinh sống, tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống, đánh giá các nguồn tài nguyên thiên nhiên và những rủi ro mà những nhà thám hiểm hành tinh này trong tương lai phải đối mặt.
Máy bay được trang bị tấm pin năng lượng Mặt Trời để nạp điện cho hệ thống pin lithium-ion và hệ thống sưởi để giữ ấm thiết bị trong đêm giá lạnh trên sao Hỏa. Sau khi được tàu thám hiểm sao Hỏa đặt xuống bề mặt của hành tinh này, The Mars Helicopter sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trên “Hành tinh Đỏ” theo sự điều khiển của các nhân viên kiểm soát từ Trái Đất.
Dự kiến, “The Mars Helicopter” sẽ được đưa lên sao Hỏa vào tháng 7/2020 và sẽ hạ cánh xuống sao Hỏa vào tháng 2/2021.
Huyền Trang (TH)