Có rất nhiều lý do thôi thúc các nhà khoa học muốn phát triển những bộ não nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Trước tiên, não nhân tạo cho phép chúng ta nghiên cứu một cách chi tiết và kỹ lưỡng các căn bệnh liên quan đến thần kinh của con người. Ví dụ như Alzheimer và Parkinson, hai căn bệnh đang tàn phá não bộ của hàng triệu người. Lợi thế của những bộ não nhân tạo chứa trong bình thủy tinh, đó là chúng ta có thể tạo ra bao nhiêu mẫu tùy thích, theo nhu cầu mà không cần phụ thuộc vào người hiến tặng. Não nhân tạo sẽ tăng tốc quá trình nghiên cứu và tìm hiểm về căn bệnh, giúp các nhà khoa học nhanh chóng tìm ra cách phòng trách và chữa trị chúng. Tại thời điểm này, triển vọng của những bộ não được nuôi trong phòng thí nghiệm là rất hứa hẹn, đến nỗi, tác giả của một bài xã luận trên tạp chí Nature tháng trước đã viết rằng: Việc không phát triển các bộ não nhân tạo ở thời điểm này là phi đạo đức. Nó đồng nghĩa với việc bỏ mặc một số lượng khổng lồ các bệnh nhân đang phải chịu đựng các căn bệnh tâm thần. Trong khi, các thử nghiệm thuốc điều trị cho họ được thực hiện trên mô hình động vật thường không có tác dụng trên người. Nhưng có một vấn đề. Càng tiến gần đến việc phát triển thành công một bộ não con người trong phòng thí nghiệm, chúng ta cũng càng tiến đến một ranh giới cực kỳ nguy hiểm về mặt đạo đức: Nếu các bộ não nhân tạo sống, liệu nó có “linh hồn” người cho riêng mình? Nó sẽ là ai?
Nếu các nhà khoa học tạo ra được một bộ não, liệu nó sẽ có “linh hồn” người?
Nếu suy nghĩ về bộ não và sự sống khiến bạn bế tắc, hãy thử đảo ngược lại. Ở nhiều quốc gia, chết não được coi là cái chết thực sự của một người. Nhiều người cho rằng bạn sẽ không còn là một người sống nữa, tại thời điểm não bộ ngừng hoạt động. Điều này đặc biệt đúng với những người ủng hộ thuyết duy vật, nói rằng cả cuộc sống và nhân cách của chúng ta được gói gọn bên trong bộ não, các tế bào và tín hiệu điện thần kinh giữa chúng. Nhưng đối với những người tin rằng có một linh hồn trong cơ thể – họ có thể không nghĩ rằng chết não là dấu chấm hết của cuộc sống. Bây giờ, hãy dành một chút thời gian để xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà khoa học phát triển được một bộ não nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Ngay tại thời điểm này, các nhà khoa học đã tạo ra được cái được gọi là tiểu não bộ (brain organoids). Chúng là một khối tế bào não có thể phát triển thành nhiều loại nơ-ron thần kinh hoặc các tế bào khác, nhưng bản thân vẫn chưa phối hợp được chức năng của các tế bào này. Có thể hiểu đó là một bộ não giống như chiếc máy tính chỉ có phần cứng mà không có phần mềm. Trên thực tế, bộ não của bạn chứa hàng tỷ tế bào thần kinh với hàng triệu loại tế bào khác, như tế bào thần kinh đệm và tế bào hình sao. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách để phối hợp sự phát triển và hoạt động của các nhóm tế bào khác nhau này để hình thành nên một cái gì đó giống như một bộ não thực sự. Mặc dù một ngày nào đó, có thể họ sẽ làm được. Đó là lúc mà các nhà thần kinh học sẽ phát triển được toàn bộ não bộ, hoàn chỉnh với tất cả các tế bào của nó. Bộ nào nãy sẽ không được nối với một cơ thể, nhưng nó có khả năng suy nghĩ. Rồi sao nữa, chúng ta cũng không biết. Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có coi bộ não ấy là một người? Có vẻ như chắc chắn là không. Nhưng nếu chúng ta có thể cấy nó vào một cơ thể thì sao? Hoặc chúng ta có thể sử dụng một máy tính để trò chuyện với nó? Nếu tồn tại đủ lâu, bộ não nhân tạo có thể có ký ức – mặc dù không có giác quan, nó sẽ nhớ gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta kết nối nó với các cảm biến bên ngoài để nó có thể cảm nhận, nhìn thấy, nếm hoặc nghe? Chúng ta rõ ràng chưa hề sẵn sàng để đối mặt với những câu hỏi như thế này.
Một bộ não nhân tạo, nếu được phát triển thành công, cũng có khả năng suy nghĩ
Liệu một bộ não được tạo ra trong phòng thí nghiệm có được coi là một người không? Henry Greely, giám đốc Chương trình Khoa học thần kinh và xã hội tại Đại học Stanford, lưu ý rằng: Để thực sự trở thành một người trong con mắt của pháp luật, bộ não sẽ cần phải có ý thức. Nhưng mức độ ý thức của những bộ não nếu có, chắc chỉ tương tự như một đứa trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Một đứa trẻ sơ sinh không thể làm được gì nhiều, nhưng chúng ta chắc chắn chúng có ý thức. Nếu một bộ não nhân tạo có thể đạt tới cấp độ đó, nhiều khả năng nó sẽ được pháp luật công nhận là một người. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu khác không nghĩ vậy. James Bernat, giáo sư thần kinh và y học tại trường Y khoa Geisel, Dartmouth, nói: “Tôi không nghĩ rằng các nhà khoa học sẽ phát triển được các tiểu não bộ trong phòng thí nghiệm có đủ chức năng thần kinh, để được coi là một người”. Jeantine Lunshof, một nhà nghiên cứu về đạo đức khoa học tại MIT Media Lab, đồng ý: “Tôi cũng không nghĩ rằng một bộ não được phát triển trong phòng thí nghiệm và bị cô lập có thể trở thành một ‘người’”. Theo đó, cô nói “người” là một khái niệm rất khó để thỏa mãn. Và Lunshof cho rằng một bộ não nhân tạo sẽ luôn thiếu một điều gì đó để được coi là một người. Tương tự, Eswar Iyer, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Y Harvard, nói rằng ông không tin mô thần kinh được trồng trong phòng thí nghiệm sẽ có các thuộc tính đúng để được coi là một người. Iyer cho rằng thay vì lo lắng đến các bộ não nhân tạo, chúng ta nên để ý đến công nghệ trí tuệ nhân tạo với máy tính (AI) thì hơn.
Nếu có được ý thức, một bộ não nhân tạo sẽ được coi là một người
Liệu chúng ta có thể đo được ý thức của một bộ não? Không có định nghĩa khoa học nào cho “ý thức”. Chúng ta biết mỗi người trong số chúng ta đều có ý thức. Chúng ta nhận thức được sự tồn tại của chính chúng ta và vị trí của chúng ta trên thế giới. Chúng ta cũng có những suy nghĩ và cảm xúc bên trong của riêng mình. Những sinh vật khác liệu có ý thức hay không? Chúng ta không chắc lắm. Nita Farahany, giám đốc Sáng kiến Khoa học và xã hội Duke, lưu ý rằng chúng ta đã “có thể phát hiện sự mất ý thức ở người”. Nhưng rất khó để biết liệu các loài khác có ý thức hay không, hoặc những dạng sự sống nào sẽ có khả năng phát triển ý thức. Mặc dù vậy, Greely của Đại học Stanford lập luận rằng chúng ta không nhất thiết phải trả lời tất cả các câu hỏi một cách tuyệt đối ngay vào lúc này. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ đồng thuận với một số “bến an toàn”, ở đó thứ gì đó rõ ràng có hoặc không có ý thức, mà không nhất thiết phải trả lời tất cả các trường hợp. Chúng ta biết rằng thi thể con người lạnh, tím tái và cứng lại trong hai ngày thì sẽ không có ý thức; chúng ta biết rằng một người viết email học thuật trả lời cho các câu hỏi này thì có ý thức”, Greely nói. Thế nhưng khoảng cách ở giữa các thái cực an toàn sẽ lớn đến đâu, vẫn cần thời gian để xem xét. Mặc dù vậy, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ phải lo lắng về điều đó. James Bernat nghĩ vậy. “Trong cuộc đời của mình, tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ cần phải xem xét đến các câu hỏi liên quan đến một bộ não được phát triển trong phòng thí nghiệm mà có được ý thức,” ông nói. “Bởi vì trong tương lai gần, tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ hiểu được làm thế nào bộ não tạo ra ý thức”. Đến việc hiểu về cách ý thức được hình thành còn chưa thực hiện được, việc tạo ra một bộ não có ý thức và đo lường nó còn là một thách thức rất lớn. Lunshof của MIT nói rằng điều đó thậm chí không thể đạt tới được. “Với các tiểu não bộ được nuôi trong phòng thí nghiệm bị cô lập, không bao giờ có bất cứ thứ gì giống như ‘ý thức’, và tôi không nhìn ra được nó sẽ có ý thức như thế nào, đặc biệt là không có cơ quan cảm giác”, ông nói.
Nếu một bộ não có ý thức, chúng ta cũng chưa thể đo đạc và xác nhận điều đó
“Tôi tin rằng chúng ta cần định nghĩa rõ ràng lại như thế nào là ý thức, cùng với các hướng dẫn nhận biết sự có mặt của ý thức tốt hơn với các đối tượng nhân tạo trong môi trường phòng thí nghiệm“, Jonathan Ting, một điều tra viên tại Viện khoa học về Não bộ Allen cho biết. “Câu trả lời cho những câu hỏi mới nổi này có thể còn lâu mới có được, nhưng mục đích của chúng ta là khơi nguồn suy nghĩ và thành lập một cuộc thảo luận, cân nhắc vấn đề đạo đức khi chúng ta bước vào một lãnh thổ mới trong nghiên cứu não người”. Greely đồng ý. “Bài báo này phản ánh một số vấn đề thú vị và phức tạp nhất mà tôi gặp phải suốt hơn một phần tư thế kỷ làm việc trong lĩnh vực này. Thật thú vị khi được đối mặt với chúng – và một an ủi vào thời điểm này là có vẻ như chúng ta sẽ mất nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, để trả lời chúng một cách nghiêm túc nhất”. Điều này không có nghĩa là chúng ta nên đặt vấn đề này xuống vào lúc này. Greely nhấn mạnh, nhìn xa về tương lai khiến chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc phải bắt đầu ngay từ bây giờ. “Chúng ta có thời gian để suy nghĩ về chúng. Chúng ta cần bắt đầu làm như vậy. Và đó là những gì các tác giả, những nhà thần kinh và đạo đức học của bài xã luận này đều đồng ý”. Tham khảo Popsci