Hệ thống đo nước này đã được Huawei thử nghiệm ở thành phố Valencia của Tây Ban Nha

Trong các ngành kinh doanh độc quyền hiện nay thì ngành cấp nước được cho là trì trệ nhất, ít ứng dụng các công nghệ mới để tăng hiệu quả kinh doanh. Hiện ngành cấp nước vẫn đang duy trì một đội ngũ đi đọc số đồng hồ và nhiều nơi vẫn đến tận nhà thu tiền của khách hàng. Điều này có nghĩa bộ máy của các công ty nước rất cồng kềnh và khách hàng sẽ gánh thêm những chi phí đó vào giá nước hàng tháng.
Bên cạnh đó, ngành nước vẫn đang đối mặt với tỷ lệ thất thoát nước lớn. Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025 với mục tiêu huy động và tập trung các nguồn lực cho hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch, giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân từ 30% năm 2009 xuống dưới 15% vào năm 2025.
Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, nếu ngành cấp nước Việt Nam ứng dụng công nghệ thông minh vào việc cấp nước cho khách hàng có thể giải được những bài toán trên đồng thời tăng hiệu quả kinh doanh.
Chuyên gia của Huawei cho biết, nếu các thiết bị đồng hồ đo nước được gắn thêm thiết bị IoT có thể chuyển thông tin cho các công ty nước và khách hàng qua SIM di động gắn vào thiết bị này. Các thiết bị IoT này gắn vào đồng hồ nước sẽ gửi báo cáo lưu lượng nước tiêu thụ hàng ngày cho công ty và khách hàng. Để cho các thiết bị IoT hoạt động cần gắn thêm pin và có thể sử dụng được trên 5 năm.
Với thiết bị này, khách hàng có thể theo dõi số lượng nước mình sử dụng online và trả tiền hàng tháng cho công ty nước qua tài khoản. Hệ thống đã được Huawei thử nghiệm ở thành phố Valencia của Tây Ban Nha. Huawei cho biết tỷ lệ thất thoát nước rất lớn ở các nước trên thế giới. Ví dụ Trung Quốc là 30%, nhưng Nhật Bản chỉ có 4%, hệ thống này sẽ góp phần giảm thất thoát nước.
Hệ thống có thể giúp các công ty cung cấp nước theo nhiều mức khác nhau ở từng mốc thời gian khác nhau. Tại Úc nếu khách hàng sử dụng nước trong giờ cao điểm giá sẽ đắt hơn nhiều so với giờ thấp điểm. Tùy theo nhu cầu của công ty cấp nước muốn đo và báo cáo thông số gì thì hệ thống IoT sẽ cung cấp dữ liệu đó cho công ty và khách hàng. Ví dụ hệ thống IoT báo về cho khách khi phát hiện lượng nước tiêu thụ liên tục trong 4 giờ, sẽ xác định đây là sự cố bất thường và báo về công ty cấp nước cũng như khách hàng để tránh trường hợp khách hàng quên tắt vời nước hay có sự cố rò gỉ đường ống chẳng hạn.

 
Các thiết bị IoT này gắn vào đồng hồ nước sẽ gửi báo cáo lưu lượng nước tiêu thụ hàng ngày cho công ty và khách hàng.
Để cho các thiết bị IoT này hoạt động cần gắn thêm pin và có thể sử dụng được trên 5 năm.

Tại Việt Nam, ngành Điện cũng đang tìm các giải pháp thông thông minh như công tơ điện tử, nhưng xem ra ngành Nước vẫn loay hoay với bài toán này.
Hồi năm ngoái, bà Lê Minh Đức, Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng của Công ty Cổ phần cấp nước Bà Rịa Vũng Tàu (BWACO) cho biết, Công ty muốn đặt hàng Viettel tiến tới quản lý theo hình thức không còn hóa đơn giấy và người thu phí. Đại diện BWACO cho biết, công ty chọn Viettel làm đối tác để thực hiện mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tiến tới không hóa đơn giấy, không còn người đi thu tiền nước nữa. Hiện BWACO có khoảng 170.000 khách hàng và công ty đặt hàng Viettel thực hiện nhắn tin thông báo tiền nước cho khách hàng.
Nếu tiến tới không còn phải in hóa đơn và không cần đến tận nhà thu tiền của khách hàng sẽ giúp ngành Nước cắt giảm chi phí và phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên, trước mắt BWACO chưa thể giảm chi phí từ việc ứng dụng giải pháp của Viettel để phục vụ khách hàng bởi vẫn phải sử dụng giải pháp in hóa đơn truyền thống và sử dụng người đến thu tận nhà khách hàng. Công ty BWACO cho rằng rào cản cho việc đưa ứng dụng này tới khách hàng là thói quen dùng tiền mặt vẫn nặng nề, nhưng hy vọng giải pháp của Viettel sẽ giúp công ty sớm chuyển khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán hiện đại và tiện lợi. Nếu triển khai dịch vụ này thành công thì BWACO sẽ nghiên cứu sử dụng SMS nhắn tin thông báo cho khách hàng với nhiều nội dung khác như thông báo các khu vực sửa chữa, cấp nước… 
“BWACO và Viettel đã thực hiện nhắn tin thông báo tiền nước cho khách hàng và khách hàng hài lòng với hình thức tiện lợi này. Hiện tại, ngành Điện cũng có đối tác nghiên cứu giải pháp đo số điện tự động. Tuy nhiên, việc nghiên cứu giải pháp đồng hồ nước đo số nước tự động khó khăn hơn đo số điện tự động rất nhiều vì khó khăn lớn nhất là không có nguồn điện cho hệ thống đo nước tự động. Việc sử dụng năng lượng mặt trời cũng được tính đến nhưng chưa khả thi do đồng hồ nước hiện nay mỗi nơi lắp một kiểu. Nếu Viettel có thể nghiên cứu được giải pháp này cho ngành nước thì đây sẽ là cơ hội tốt cho hai bên hợp tác với nhau”, bà Lê Minh Đức nói. 
Hiện chưa có nhà mạng nào tuyên bố đưa ra giải pháp cung cấp nước thông minh cho khách hàng. Tuy nhiên, đây là mảng thị trường rất lớn khi có tới hàng chục triệu hộ gia đình đang sử dụng nước cần đến giải pháp này.