Hội thảo khoa học Smart City 3600 lần thứ II năm 2018. |
Một trong những nội dung thú vị trong hội thảo khoa học Smart City 3600 lần thứ II năm 2018 là Hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí, được giới chuyên gia đánh sẽ là nền tảng giúp tiếp tục phát triển, hoàn thiện các hệ thống quan trắc, tính toán mô phỏng và dự báo chất lượng không khí khu vực thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng phát triển một mô hình tính toán về khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông, kết hợp giải thuật nhận dạng và đếm lượng xe trích xuất từ hình ảnh từ camera giao thông tại một số điểm. Một số thử nghiệm dự báo được thực hiện cuối năm 2017 và so sánh kết quả với trạm khí tượng Nhà Bè cho thấy mô hình này mô phỏng khá chính xác.
Báo cáo tham luận “Truy xuất thông tin từ dữ liệu hình ảnh y-sinh” cũng sẽ được trình bày chi tiết tại hội thảo khoa học Smart City 3600 lần thứ II năm 2018. Đây là kết quả ứng dụng bộ 3 ‘máy học, thị giác máy tính, và học sâu’ vào ngành y – sinh nhằm cung cấp dữ liệu đầu vào đáp ứng nhu cầu tìm kiếm những giải pháp tối ưu, toàn diện, hiệu quả, linh hoạt cho việc xác định nhân tế bào trong nhiều bối cảnh nghiên cứu khác nhau.
Xây dựng thành phố thông minh là xu hướng được các đô thị trên thế giới không chỉ riêng ở Việt Nam đang áp dụng để giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông, y tế, môi trường… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bài báo cáo “Công nghệ và giải pháp quan trắc điều khiển giao thông đô thị thông minh đã triển khai tại một số thành phố Việt Nam” sẽ cung cấp những thông tin mới nhất về thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông trong lĩnh vực giao thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải.
Loạt 6 giải pháp IoT đặc thù cho thành phố thông minh ở Việt Nam sẽ được đại diện Global CyberSoft giới thiệu trong tham luận “Giải pháp IoT cho thành phố thông minh” nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết, đặc thù của việc ứng dụng công nghệ cho thành phố thông minh tại Việt Nam, đặc biệt những giải pháp đã được kiểm nghiệm thành công qua thực tế triển khai như giải pháp giao thông thông minh SmartTraffic, giải pháp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao SmartAgri, giải pháp an ninh công cộng Public Satefy, nền tảng dịch vụ công City Center, giải pháp cho lĩnh vực hàng không Airport, bộ giải pháp bán lẻ FlexBA.
Những giải pháp sáng tạo, tương tác trực tiếp và hợp tác giữa công dân và chính quyền trong đô thị thông minh mặc dù có nhiều lợi ích tiềm năng, nhưng việc triển khai gặp nhiều thách thức do hạn chế về mở rộng kiến trúc, gây quá tải băng thông mạng và đặc biệt là vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư. Tham luận “Ứng dụng công nghệ blockchain trong đô thị thông minh” sẽ đề xuất một khung kiến trúc mạng lai tích hợp công nghệ blockchain với các thiết bị thông minh để cung cấp một nền tảng truyền thông an toàn trong đô thị thông minh, bao gồm các vấn đề liên quan đến blockchain ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau trong thực tế.
Với những nội dung đầy tính sáng tạo về đô thị thông minh, hội thảo khoa học Smart City 3600 lần thứ II năm 2018 cũng là dịp để các nghiên cứu sinh – sinh viên từ các trường ĐH, Viện – trung tâm tiếp cận và tìm hiểu những nhu cầu thực tế của xã hội. Đó cũng chính là cơ hội giúp các trường, viện, trung tâm nghiên cứu nhận ra là còn có một thị trường rất lớn về nghiên cứu ứng dụng CNTT trong quản lý chính phủ điện tử và triển khai xây dựng đô thị thông minh, gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với thị trường để từ đó đưa ra những đề tài phù hợp có thể phục vụ trực tiếp vào đời sống xã hội.