Lầu đầu tiên, các nhà khoa học có thể tạo ra phôi nang nhân tạo ở giai đoạn cực sớm, chỉ 1 ngày tuổi. Các phôi ở giai đoạn này chứa chưa đến 100 tế bào, nhưng có vai trò cực kỳ quan trọng với thai kỳ, người mẹ và cả đứa trẻ được sinh ra sau này. Nếu có một sai hỏng gì đó xảy ra, người mẹ có thể bị sảy thai, hoặc em bé có thể phát triển các vấn đề sức khỏe sau này trong cuộc đời. Mặc dù vậy, cho đến tận bây giờ, chúng ta chưa có bất kỳ phương tiện hoặc cách thức nào để theo dõi và chăm sóc những “thai nhi” ngay từ giai đoạn 1 ngày tuổi. Câu chuyện đặt ra là nếu có thể, khả năng đó sẽ mở ra rất nhiều tiềm năng trong việc chữa trị vô sinh, phòng chống sảy thai, bệnh tật cho thai nhi, hay ở phía ngược lại là tìm ra các biện pháp tránh thai mới. Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Maastricht và Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoàng gia Hà Lan (KNAW) đang biến tương lai đó thành hiện thực, khi họ vừa tuyên bố tạo ra được một mô hình giai đoạn đầu của phôi nhân tạo. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.
Trong tương lai, các bác sĩ sẽ theo dõi và chăm sóc được thai nhi ngay từ 1 ngày tuổi
Để hiểu lý do tại sao nghiên cứu mới trên tạp chí Nature này được đánh giá rất cao, hãy nhắc lại một chút kiến thức cơ bản. Ở động vật có vú, sau khi trứng được thụ tinh, trong vòng 1 ngày, nó sẽ biến thành phôi nang. Phôi nang có dạng một quả cầu rỗng, chứa chưa đến 100 tế bào. Khi được đưa vào tử cung, các tế bào bên trong phôi nang (tế bào phôi) sẽ trở thành phôi. Còn các tế bào tạo nên hình cầu bên ngoài (tế bào trophoblast) trở thành nhau thai. Nicolas Rivron, nhà khoa học người Hà Lan dẫn đầu nghiên cứu này chia sẻ với Research Gate: nhiều nhà khoa học đã biết cách tạo ra các bộ phận bên trong và bên ngoài của phôi nang bằng cách sử dụng tế bào gốc, nhưng chưa ai có thể kết hợp cả hai lại với nhau. Một phòng thí nghiệm khác đã thành công trong việc tạo ra các mô hình trong giai đoạn sau của quá trình phát triển của phôi thai (mô hình sau khi phôi được đưa vào tử cung được gọi là “gastruloids“). Tuy nhiên, Rivron nhấn mạnh rằng nhóm của ông là những người đầu tiên tạo ra được phôi nhân tạo ở giai đoạn trước khi chúng vào tử cung, với trophoblasts – những tế bào trở thành nhau thai. Họ gọi mô hình của họ là “blastoid“. Để tạo ra được phôi ở giai đoạn cực sớm này, nhóm nghiên cứu của Rivron đã phát triển các tế bào gốc phôi và tế bào gốc của trophoblasts. Sau đó, họ trộn hai loại tế bào trong một hỗn hợp các phân tử thúc đẩy chúng giao tiếp và tự kết hợp lại với nhau. Khi hỗn hợp được đưa vào tử cung của chuột, phôi nhân tạo được cấy giống như phôi thai tự nhiên trong thai kỳ. Các tế bào phân chia và bắt đầu cuộn vào mình những mạch máu của chuột mẹ để phát triển.
Các tế bào tế bào phôi (bên trong màu vàng) sẽ trở thành phôi. Còn các tế bào tế bào trophoblast (bên ngoài màu hồng) sẽ trở thành nhau thai
Ở người, một phôi nang hình thành chỉ năm ngày sau khi thụ tinh. Sự phát triển tế bào diễn ra trong giai đoạn blastocyst có thể ảnh hưởng đến sự thành công của thai kỳ và kết quả sau sinh của em bé. Bởi vì các nhà nghiên cứu có thể tạo ra blastoids từ các tế bào gốc, họ sẽ có quyền truy cập vào giai đoạn phát triển cực sớm và quan trọng này, điều trước đây chưa một ai làm được. Chúng ta có thể dự đoán gì từ thành tựu này ở ngày hôm nay. Đó là nó sẽ giúp con người đào sâu hơn nữa vào khoa học sinh sản, hiểu và khắc phục được những sai sót của tự nhiên nếu chúng xảy ra. “Lần đầu tiên, chúng ta có thể nghiên cứu những hiện tượng này một cách chi tiết và thử nghiệm [trên đó] những loại thuốc có thể ngăn ngừa vô sinh, tìm ra tránh thai tốt hơn, hoặc hạn chế sự xuất hiện của các biểu hiện gen sinh ra từ trong phôi nang dẫn đến bệnh tật khi thai nhi trưởng thành“, Rivron nói. Tất nhiên, chuột và con người rất khác nhau. Liệu tử cung của con người có phản ứng cùng cách với những gì xảy ra trong nghiên cứu này hay không? Chúng ta vẫn chưa biết. Nhưng những khám phá mới này của các nhà khoa học có thể giúp mọi người – những người mẹ, thai nhi và đứa bé được sinh ra và lớn lên sau này – khỏe mạnh hơn. Tham khảo Futurism