Giới trẻ thay đổi văn hóa sử dụng smartphone tại Việt Nam
Theo Nielsen, thị trường smartphone Việt Nam đang trên đà phát triển với tỷ lệ người sử dụng ngày càng tăng, hiện hữu cả ở khu vực thành thị lẫn nông thôn. Trong đó, 40% khách hàng thuộc thế hệ millennials (21 – 30 tuổi), tăng 7% so với năm 2015. Tất nhiên, đây đều là nhóm đối tượng có trình độ dân trí cao với tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, cao đẳng, đại học đến 73%. Trẻ, năng động, họ cần các trải nghiệm, dịch vụ mới lạ, độc đáo mà chiếc điện thoại sẽ trợ giúp cho mình, thay vì chạy theo những tính năng hào nhoáng nhưng không mang đến lợi ích thiết thực.
Nhất là khi thu nhập trung bình của nhóm khách hàng này cao hơn mặt bằng chung, các hãng sản xuất hoàn toàn có cơ hội mở rộng thị phần, hơn chăng là ở chỗ sản phẩm có đáp ứng được mong mỏi của người dùng hay không. Nielsen cho biết, trong số người Việt sở hữu smartphone, 19% có mức thu nhập bình quân từ 15 – 30 triệu/tháng. Người dùng có mức thu nhập khá từ 7,5 -10,5 triệu đồng và mức thu nhập cơ bản 6,5 – 7,5 triệu đồng lần lượt là 25% và 15%. 3% người dùng có thu nhập từ trên 30 triệu đồng trở lên.
Khảo sát từ Nielsen cũng cho thấy, cứ 10 người được hỏi thì có đến 5 người cho biết, họ sẵn sàng thay đổi smartphone mới sau mỗi 1 – 2 tháng, miễn là có sản phẩm thay thế phù hợp. Tỷ lệ này tăng nhanh so với năm 2016 và 2015, ở mức lần lượt là 26% và 4%. 2 năm trước đó, phần lớn người dùng được hỏi cho biết họ không có ý định nâng cấp lên smartphone mới, chiếm tỷ lệ lên đến 60%. Điều này chứng tỏ lượng người dùng sẵn sàng mua điện thoại mới ngày càng tăng qua các năm.
Trong các yếu tố chọn mua smartphone mới, 74% người dùng quan tâm đến phần cứng, dung lượng bộ nhớ trong, 65% cân nhắc thời lượng pin. Nhìn một cách tổng quát, cuộc chiến công nghệ giờ sẽ tìm về những giá trị cơ bản nhất, đó là hiệu năng, là sự thoải mái, tiện lợi trong từng tác vụ, làm việc, học tập, giải trí. Nói cách khác, đó là cuộc chiến về việc nâng tầm trải nghiệm người dùng.
Ai sẽ thắng trong cuộc đua?
“Với những tính năng và lợi ích thiết thực ngày càng nhiều mà chiếc điện thoại thông minh được tích hợp, xu hướng và nhu cầu nâng cấp smartphone của người tiêu dùng tiếp tục gia tăng. Việc lựa chọn cũng sẽ trở nên tinh tế hơn: các yếu tố về sản phẩm như phần cứng, dung lượng, pin… ngày càng trở thành những yếu tố cơ bản, trong khi thiết kế, tính năng vẫn sẽ là những điểm tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm”, ông Đoàn Duy Khoa – Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Hành vi người tiêu dùng – Nielsen Việt Nam cho biết.
Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng Dịch vụ đám mây – Công ty Cổ phần VNG nhận định: “So với các thị trường khác như hàng tiêu dùng, xe máy, ô tô hay thậm chí là may mặc thì người dùng smartphone là những người kém chung thủy nhất. Thị trường di động Việt còn khốc liệt hơn nhiều vì hoàn toàn không có một điều kiện gì để đảm bảo người dùng sẽ “chung thủy” với thương hiệu. Có thể một người đang dùng hệ điều hành iOS, nhưng khi thấy người bạn của mình đang dùng một chiếc Samsung với thiết kế bắt mắt, tính năng mới thì ngay sáng hôm sau họ có thể chuyển sang hệ điều hành Android”.
Với những sản phẩm được ra mắt trong thời gian tới, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp, người dùng đang chờ đợi một cú hích thật sự, đủ khả năng định hình lại toàn bộ định nghĩa về hiệu năng của một chiếc smartphone tương lai. Nửa cuối năm 2018 sắp tới sẽ có rất nhiều thiết bị mới được trình làng, nhưng như mọi năm, mọi ánh mắt chú ý sẽ đổ dồn vào Galaxy Note 9. Từ trước tới nay, Galaxy Note nổi tiếng là một trong những dòng sản phẩm cao cấp thành công nhất trong lịch sử, đi kèm với đó là cây bút S Pen độc đáo cùng những công nghệ tiên tiến nhất nhằm phục vụ tối đa cuộc sống di động hóa của đại đa số khách hàng.
Ngược dòng lịch sử, Samsung luôn biết cách làm người dùng bất ngờ, và mỗi một thay đổi của gã khổng lồ Hàn Quốc đều góp phần định hình hướng đi cho toàn bộ thị trường về sau. Năm 2011, chiếc Galaxy Note đầu tiên ra mắt với màn hình 5,3 inch trong sự hoài nghi của cả thế giới. Thời điểm đó, smartphone phổ biến chỉ dừng lại ở màn hình 3.5 hoặc 4 inch. Thế nhưng, kết quả đã có 10 triệu chiếc Galaxy Note đến tay người dùng chỉ sau 1 năm.
Galaxy Note 2 thiết lập kỷ lục 3 triệu máy trong 37 ngày đầu và 30 triệu chiếc sau 1 năm lên kệ, trong khi Galaxy Note 3 cán mốc 5 triệu đơn vị chỉ sau 1 tháng. Ở các thế hệ tiếp theo, Galaxy Note 4, Note 5 hay Note 8 đã tiếp nối cực tốt thành công của những người tiền nhiệm. Thậm chí, Galaxy Note 8 nhận được 40.000 đơn đặt hàng trong ngày mở bán tại Việt Nam, trở thành màn mở bán Galaxy Note thành công nhất của Samsung.
Có thể thấy, khách hàng đã bị thuyết phục bởi hiệu năng ấn tượng, camera kép tích hợp AI cũng như các tiện ích ưu việt mà bút S Pen cũng như Galaxy Note mang lại. Và trong bối cảnh mà người dùng đang đòi hỏi ngày một nhiều hơn về việc trải nghiệm, chiếc Galaxy Note 9 ra mắt vào ngày 9/8 tới đây hứa hẹn sẽ là một bước tiến mới trong việc cải thiện hiệu năng điện thoại, góp phần thay đổi trải nghiệm và xây dựng cuộc sống người dùng theo hướng tích cực hơn.
(Khám Phá) .