“Theo dự báo thời tiết, những ngày này trên lãnh thổ nước ta rất nhiều mây mù và mưa, gây khó khăn cho việc quan sát nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21”, ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, những vùng núi và khu vực ven biển là nơi lý tưởng để quan sát rõ hiện tượng kỳ thú này.
“Hiện tượng nguyệt thực toàn phần này hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường, nhưng nếu có kính thiên văn, ống nhòm, hoặc máy ảnh, camera có chế độ zoom quang tốt thì hình ảnh sẽ rõ và đẹp hơn”, ông Sơn gợi ý.
Cũng theo ông Sơn, với những người đang sống ở thành phố, nên chọn cho mình nơi thoáng, góc nhìn rộng, không vướng cây cối và các toà nhà cao tầng. Như vậy, mọi người sẽ dễ quan sát hiện tượng kỳ thú này hơn.
Nguyệt thực toàn phần chỉ xảy ra khi trăng tròn và Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng nằm thẳng hàng.
Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, Trái Đất sẽ trực tiếp đi qua giữa Mặt Trời và Mặt Trăng và đổ bóng lên vệ tinh tự nhiên của nó.
“Thời điểm trăng hoàn toàn đi vào vùng bóng tối của Trái Đất rơi vào khoảng 2h30 và kết thúc vào lúc 4h13 sáng 28.7, tức là kéo dài khoảng 1 giờ 43 phút, đây sẽ là nguyệt thực toàn phần dài nhất thể ký 21”, ông Sơn cho hay.
Đây là nguyệt thực toàn phần lần thứ 2 diễn ra trong năm 2018, lần trước, hiện tượng này diễn ra vào tối 31.1 với thời gian kéo dài 1 giờ 16 phút.
Sau hiện tượng lần này, đối với người quan sát Việt Nam phải đợi tới tháng 5.2021 để khu vực miền Nam quan sát được nguyệt thực toàn phần còn đối với khu vực miền Bắc phải đợi tới tháng 11.2022.

Lịch trình chi tiết của hiện tượng nguyệt thực toàn phần (theo giờ Việt Nam diễn ra như sau – tính từ rạng sáng ngày 28.7.2018):
00h14 phút: Bắt đầu pha nửa tối
01h24 phút: Bắt đầu pha một phần
02h30 phút: bắt đầu pha toàn phần
03h21 phút: Nguyệt thực cực đại (Mặt Trăng đi sâu nhất vào bóng tối của Trái Đất)
04h13 phút: Kết thúc pha toàn phần
05h19 phút: Kết thúc pha một phần
06h28 phút: Kết thúc pha nửa tối (không quan sát được giai đoạn này)