Cuối tuần trước, chị Thanh Bình (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) nhận được điện thoại từ người bạn gọi hỏi chị vay tiền có việc gì. Chị bất ngờ vì đang đi du lịch và không có nhu cầu mượn tiền, song người bạn kia nói rằng nhận được tin nhắn từ Facebook của chị hỏi vay. Khi kiểm tra, chị Bình đã không thể truy cập vào tài khoản của mình.
Một tài khoản Facebook bị hack và kẻ đứng sau đã nhắn tin hỏi vay tiền bạn bè.
Trường hợp trên không phải cá biệt bởi đã có không ít người bị lộ thông tin đăng nhập Facebook, sau đó bị kẻ xấu lợi dụng để nhắn tin vay tiền, nhờ mua thẻ cào điện thoại, chuyển tiền hộ… Ngoài ra, hacker có thể xem các thông tin của bạn, bao gồm các tin nhắn riêng tư, những bức ảnh hay cập nhật trạng thái ở chế độ không công khai…
Nếu một ngày, bạn không thể đăng nhập được vào Facebook của mình dù đã nhập đúng mật khẩu thì rất có thể tài khoản của bạn đã bị hack. Hoặc khi bạn nhận được e-mail từ Facebook rằng tài khoản đã được đổi mật khẩu, đổi e-mail, đổi số điện thoại đăng nhập mà bạn không làm điều đó thì cũng đồng nghĩa với việc tài khoản đã bị tấn công.
Kiểm tra Facebook của bạn có bị hack hay không
Những dấu hiệu trên đã rất rõ ràng, song ngay cả khi kẻ xấu không thực hiện bất kỳ hành động nào tương tự, bạn cũng có thể biết được tài khoản của mình có bị hack hay không, bằng cách sử dụng tính năng Nơi bạn đã đăng nhập.
Những dấu hiệu Facebook bị hack
Đầu tiên, người dùng bấm vào nút mũi tên quay xuống ở góc màn hình bên phải, chọn Cài đặt > Bảo mật và đăng nhập và tìm đến phần Nơi bạn đã đăng nhập.
Danh sách các thiết bị và địa điểm người dùng đã đăng nhập tài khoản Facebook.
Tại đây, Facebook sẽ liệt kê tất cả thiết bị được sử dụng để đăng nhập vào tài khoản của bạn và vị trí của chúng. Nếu thấy thiết bị hoặc vị trí khả nghi, bấm vào nút ba chấm bên cạnh và chọn Đăng xuất để thoát tài khoản khỏi thiết bị đó. Còn phát hiện đáng ngờ, chọn Không phải bạn? để Facebook tiến hành các bước rà soát lại hoạt động tài khoản.
Ngoài ra, bạn có thể vào trang cá nhân rồi chọn mục Nhật ký hoạt động để xem lại tất cả những tương tác của tài khoản, bao gồm việc đã Like, bình luận, chia sẻ… bài viết nào.
Khi nghi ngờ tài khoản Facebook của mình bị hack, lập tức đổi mật khẩu và đăng xuất khỏi tất cả các thiết bị trong phần Nơi bạn đã đăng nhập. Cách khác là chọn vào phần Không phải bạn? như ở mục trên rồi tiến hành các bước theo hướng dẫn của Facebook.
Các thiết lập tăng cường bảo mật cho tài khoản Facebook.
Để tăng khả năng bảo mật cho tài khoản, vào Cài đặt > Bảo mật > Tăng cường bảo mật. Tại đây, người dùng kích hoạt mục Nhận cảnh báo về những lần đăng nhập không nhận ra thì Facebook sẽ thông báo cho bạn khi thấy tài khoản được đăng nhập từ những thiết bị và trình duyệt lạ.
Tiếp theo, bật tính năng Xác thực 2 yếu tố. Đây là lớp bảo mật bổ sung mà sau khi nhập mật khẩu, bạn sẽ được yêu cầu nhập mã đăng nhập: có thể là dãy số gửi về số điện thoại của bạn, khoá bảo mật dạng USB hoặc NFC hay dãy số thông qua ứng dụng chẳng hạn Google Authenticator, Duo Security.
Ngoài ra, người dùng nên cài đặt tài khoản tin cậy để lấy lại Facebook khi gặp vấn đề. Liên hệ tin cậy là những người bạn mà bạn đã chọn để có thể trợ giúp một cách an toàn nếu gặp sự cố đăng nhập vào tài khoản của mình. Danh sách này gồm 3-5 người bạn, cài đặt trong phần Tăng cường bảo mật.
Video kiểm tra và cài đặt bảo mật cho tài khoản Facebook:
Những dấu hiệu Facebook bị hack
Bảo Anh