Máy ảnh có độ phân giải càng lớn thì chụp ảnh càng đẹp
Máy ảnh có độ phân giải cao hơn cho hình ảnh lớn hơn, chứ không cho hình ảnh đẹp hơn
Khi chọn mua camera hoặc smartphone, nhiều người thường quan tâm đến số “chấm” (độ phân giải) của máy ảnh, vì nhiều người cho rằng độ phân giải càng cao sẽ cho chất lượng chụp ảnh càng đẹp.
Quan niệm này có thể xem là chính xác vào những năm trước đây khi máy ảnh kỹ thuật số vẫn chưa thực sự phổ biến. Vào thời điểm đó những chiếc máy ảnh đắt tiền thường được trang bị độ phân giải lớn hơn và dĩ nhiên máy ảnh đắt tiền thì sẽ chụp ảnh đẹp hơn so với các máy có giá tiền rẻ hơn, nên số “chấm” có thể xem như tiêu chí để chấm điểm một chiếc máy ảnh kỹ thuật số (hoặc camera trên smartphone).
Trên thực tế độ phân giải lớn hơn chỉ giúp được chụp những hình ảnh có kích cỡ lớn hơn, còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng ảnh của máy ảnh kỹ thuật số và smartphone như bộ xử lý hình ảnh, khẩu độ, kích cỡ điểm ảnh… Giờ đây nhiều hãng smartphone không còn “chạy đua” để trang bị camera độ phân giải lớn lên sản phẩm của mình mà thay vào đó là chú trọng đến các yếu tố khác để giúp cải thiện chất lượng ảnh chụp.
Cắm sạc pin qua đêm sẽ gây chai và làm giảm tuổi thọ của pin
Smartphone ngày nay đủ thông minh để tự ngắt điện khi pin đã sạc đầy
Lời khuyên này có thể đúng với những chiếc điện thoại đời cũ với ít chức năng, còn với smartphone ngày nay thì thực sự thông minh hơn so với bạn nghĩ. Trên thực tế, trong khi sạc pin, nếu nhận thấy mức pin đã đầy, smartphone sẽ có cơ chế tự động ngắt nguồn điện nạp vào pin để ngừng chế độ sạc
Phần lớn smartphone ngày nay có dung lượng pin đủ để đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong một ngày, do vậy người dùng có thể cắm sạc smartphone qua đêm để hôm sau có đủ pin để tiếp tục sử dụng trong ngày, thay vì cứ lo lắng không dám cắm sạc qua đêm để ngồi hôm sau phải vất vả tìm chỗ sạc pin smartphone.
Sóng điện thoại càng mạnh, chất lượng cuộc gọi càng tốt
Biểu tượng sóng mạnh không đồng nghĩa với chất lượng cuộc gọi tốt
Trên thực tế nếu nhìn thấy biểu tượng sóng trên điện thoại di động hiển thị ở mức đầy đủ, điều này không đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc gọi sẽ tốt, mà biểu tượng này chỉ hiển thị cường độ tín hiệu mà điện thoại của bạn nhận được từ tháp phát sóng gần nhất.
Trong trường hợp nếu có nhiều điện thoại di động khác cùng kết nối vào tháp phát sóng này, thì cho dù biểu tượng sóng có hiển thị ở mức đầy đủ thì bạn cũng có thể gặp khó khăn hay chất lượng bị ảnh hưởng khi thực hiện cuộc gọi.
Máy tính Mac không hề bị nhiễm virus như trên Windows
Máy tính Mac cũng có thể nhiễm virus và mã độc như trên Windows
Nhắc đến virus, mã độc hay các phần mềm độc hại… nhiều người sẽ nghĩ ngay đến máy tính sử dụng Windows. Thậm chí nhiều người cho rằng máy tính Mac của Apple không bị lây nhiễm virus hay mã độc.
Sự thật là máy tính Mac chỉ ít bị virus và mã độc tấn công hơn nếu so với máy tính chạy Windows bởi vì số lượng máy tính Mac vẫn chưa nhiều bằng Windows. Hiện tại, 90% máy tính cá nhân trên thế giới đang sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft và trong một thời gian dài Windows được đánh giá là ẩn chứa nhiều điểm yếu về bảo mật, do vậy hacker chỉ nhắm đến Windows để tấn công người dùng và phớt lờ Mac của Apple.
Điều này cũng tương tự như trên thị trường di động, khi mà Android vẫn đang là nền tảng phổ biến nhất thế giới, do vậy hacker vẫn chủ yếu nhắm đến Android nhiều hơn so với các nền tảng di động khác, đó là lý do tại sao Android là nền tảng có lượng mã độc nhiều nhất thị trường smartphone hiện nay.
Trong những năm gần đây, lượng tiêu thụ máy tính Mac tăng nhanh trong khi đó Windows ngày càng được tăng cường bảo mật, tin tặc bắt đầu chuyển hướng tấn công người dùng máy tính Mac, thay vì “không đáng quan tâm” như trước đây.
Không bao giờ cần phải khởi động lại smartphone
Smartphone cũng cần “nghỉ ngơi” và khởi động lại
Khác với máy tính, người dùng thường ít khi quan tâm đến việc khởi động lại (tắt và mở lại) smartphone của mình, ngoại trừ khi smartphone có vấn đề bị treo hoặc hoạt động không ổn định.
Trên thực tế, smartphone vẫn cần được “nghỉ ngơi”. Theo lời khuyên của các chuyên gia công nghệ, để kéo dài tuổi thọ của pin, người dùng nên thường xuyên tắt chiếc smartphone của mình, đặc biệt trong một thời gian dài không sử dụng, chẳng hạn như khi đi ngủ.
Còn trong trường hợp không muốn tắt smartphone của mình (có thể bỏ lỡ các cuộc gọi quan trọng), người dùng cũng nên khởi động lại smartphone (tắt và mở lại) ít nhất mỗi lần một tuần. Điều này không chỉ giúp thiết bị thiết bị hoạt động nhẹ nhàng hơn (do giải phóng tài nguyên hệ thống và xóa bỏ các tiến trình chạy ngầm sau thời gian sử dụng) mà còn giúp duy trì và kéo dài tuổi thọ pin.
Chế độ duyệt web ẩn danh giúp bảo vệ dữ liệu được an toàn
Chế độ duyệt web ẩn danh giúp che giấu lịch sử duyệt web của người dùng
Phần lớn trình duyệt ngày nay đều được trang bị chế độ duyệt web ẩn danh, là chế độ mà khi người dùng duyệt web sẽ không lưu lại bất kỳ thông tin nào trên máy tính, như lịch sử các trang web đã ghé thăm, danh sách dữ liệu download về từ Internet, lịch sử đăng nhập…
Nhiều người cho rằng chế độ duyệt web này sẽ giúp họ an toàn, tránh khỏi ánh mắt tò mò của tin tặc hoặc không bị theo dấu vết. Trên thực tế chế độ duyệt web ẩn danh chỉ giúp tự động xóa đi quá trình duyệt web của người dùng trên máy tính, còn các nguồn bên ngoài, như nhà cung cấp dịch vụ Internet, các trang web đã ghé thăm… vẫn biết được bạn đã truy cập các trang web nào và làm gì trên đó.
Nói cách khác chế độ duyệt web ẩn danh không hề bảo vệ dữ liệu riêng tư như nhiều người vẫn tưởng.
Nhấn nút “Refresh” để giúp máy tính hoạt động nhanh hơn
Nhấn “Refresh” trên desktop không làm máy tính hoạt động nhanh hơn
Không ít người có thói quen nhấn nút “Refresh” (phím “F5” hoặc kích hoạt phải chọn “Refresh”) ở màn hình desktop và cho rằng điều này sẽ giúp máy tính hoạt động nhanh hơn để hoàn tất những yêu cầu của người dùng.
Trên thực tế tính năng này chỉ làm mới màn hình desktop sau một số thay đổi của người dùng. Chẳng hạn khi bạn thay đổi tên của một file hoặc thư mục nhưng vẫn chưa thấy sự thay đổi, bạn có thể nhấn nút “Refresh” để làm mới màn hình desktop và sự thay đổi được xảy ra.
Việc liên tục nhấn nút “Refresh” hoàn toàn không làm cho máy tính hoạt động nhanh hơn như nhiều người vẫn tưởng.
Sử dụng không đúng cáp sạc đi kèm theo máy sẽ làm hư hỏng pin
Không nhất thiết lúc nào cũng phải sử dụng cáp sạc đi kèm theo smartphone
Thông thường người dùng có thói quen chỉ sử dụng đúng cáp sạc và dây sạc đi kèm theo máy để sạc pin cho thiết bị của mình và ngại sử dụng sạc của những thiết bị khác vì lo sợ điều này sẽ làm hỏng pin và máy.
Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể sử dụng chung dây cáp sạc của nhiều thiết bị với nhau, miễn là chúng có chung dạng cổng sạc, chẳng hạn là dây cáp sạc microUSB cho các smartphone chạy Android hay dây cáp Lightning cho các phiên bản của iPhone…
Điều này chỉ cần lưu ý trong trường hợp bạn sử dụng dây cáp sạc không rõ nguồn gốc hoặc cáp sạc giả mạo, có thể gây nên hiện tượng rò rỉ và giật điện nếu người dùng sử dụng thiết bị trong lúc sạc. Đây cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến các trường hợp bị tử vong khi sử dụng smartphone đang cắp sạc đã được ghi nhận gần đây.
Bạn luôn cần phải tháo USB đúng cách
Bạn có thể tháo USB trực tiếp khỏi máy tính mà không cần phải thực hiện các bước khác
Nhiều người thường có thói quen dùng chức năng ngắt kết nối giữa máy tính và USB trước khi rút USB ra khỏi cổng kết nối vì lo ngại rằng nếu không làm điều này sẽ khiến USB bị hỏng.
Trên thực tế khi bạn chọn chức năng để ngắt kết nối giữa máy tính và USB trên Windows, quá trình này chỉ kiểm tra xem liệu có dữ liệu nào đang di chuyển giữa máy tính và USB (hoặc ngược lại hay không) để đảm bảo những dữ liệu này không bị hư hỏng hay mất mát khi rút USB ra. Do vậy trong trường hợp không có dữ liệu nào như vậy, bản chỉ việc rút USB một cách nhanh chóng ra khỏi cổng kết nối.
Chỉ sạc pin smartphone khi đã cạn kiệt
Bạn nên sạc smartphone bất kỳ lúc nào mình muốn, không nhất thiết phải chờ đến lúc hết sạch pin
Nhiều người có thói quen dùng pin trên smartphone đến lúc cạn kiệt mới bắt đầu sạc lại pin. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu sạc pin vào mỗi ngày, thay vì thường xuyên việc “sạc sâu” (sạc khi pin đã hết).
Pin lithium-ion là loại pin đang sử dụng trên các loại smartphone và máy tính bảng hiện này sẽ trở nên không ổn định khi nguồn pin xuống đến 0% và loại pin này thường có một số lượng lần sạc nhất định trước khi bị hư hỏng, cứ mỗi lần bạn sử dụng pin đến 0% và sạc đầy lại từ đầu sẽ tương đương với một chu kỳ sạc pin, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin.
Ngoài ra, việc thường xuyên sạc pin (thay vì chờ đến 0% mới sạc) sẽ giúp người dùng tránh được tình trạng pin hết bất ngờ, đặc biệt vào những thời điểm quan trọng cần sử dụng smartphone.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng (khoảng vài tuần), người dùng cũng nên xả hết pin (dùng pin đến 0%), sau đó cắm sạc đầy pin trên smartphone.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!