Trước những phản ánh trên truyền thông về hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trong thời gian gần đây, chúng tôi đã có trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) nhằm làm rõ hơn vấn đề này.
Ông Dũng cho biết, thực tế các sàn TMĐT Việt Nam như Shopee hay Sen Đỏ… đều có đăng ký với Bộ Công thương về hoạt động kinh doanh và có các quy định về việc cấm kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trên sàn TMĐT của mình.
Đồng thời, các sàn này cũng báo cáo với Hiệp hội việc họ luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước và đều có những công cụ vừa bằng nhân viên, vừa bằng công nghệ cũng như các hệ thống kiểm duyệt…để kiểm soát các cá nhân hay doanh nghiệp khi kinh doanh trên sàn TMĐT do họ quản lý.
Có điều theo ông Dũng, khi đến một cái chợ, mặc dù ban quản lý chợ không cho các hoạt động đó diễn ra nhưng đâu đó sẽ có những cái họ không kiểm soát được và sẽ có những sản phẩm kém chất lượng xuất hiện. Tuy nhiên, với một cái chợ chỉ có vài chục, vài trăm gian hàng kinh doanh thì có thể kiểm soát được, nhưng với môi trường kinh doanh online như sàn TMĐT hoàn toàn khác, bởi trên này có tới hàng chục đến hàng trăm ngàn sản phẩm và có tới hàng triệu người kinh doanh. Chính vì thế theo ông, nếu chỉ mỗi doanh nghiệp quản lý sàn sẽ rất khó mà làm được một cách triệt để do đó cần có sự chung tay của nhiều bên.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM)

Và theo ghi nhận của Hiệp hội, các sàn TMĐT đã rất nỗ lực để giải quyết chuyện này, như khi có cá nhân hay doanh nghiệp kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, bị phản ánh ngay lập tức họ sẽ đưa ra biện pháp xử lý và nặng người bán sẽ bị khóa tài khoản khỏi sàn. Còn đối với khách hàng một số sàn đã tiến hành đền bù cho khách hàng khi họ mua phải những sản phẩm kém chất lượng được đưa lên.

Đồng thời, cần phải khẳng định rằng cả sàn TMĐT cũng như những người kinh doanh trên sàn đều luôn ý thức được việc bảo vệ thương hiệu của mình đặc biệt trong thời đại truyền thông hiện nay và họ không bao giờ muốn đạp đổ nó đi. Chính vì thế, việc xuất hiện các cá nhân kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT có thể nói là con sâu làm rầu nồi canh.
Quan điểm của Hiệp hội là bản thân đại diện các sàn không thể làm thay các chức năng của cơ quan quản lý nhà nước được và họ chỉ hạn chế để làm sao kiểm soát việc kinh doanh trên sàn tốt hơn mà thôi. Chính vì thế để giải quyết triệt để vấn đề này cần có sự phối hợp với nhau giữa cơ quan quản lý, hiệp hội và ban quản lý các sàn để giải quyết những sự cố một cách nhanh chóng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, TMĐT Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và phát triển, tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận những yếu tố tích cực mà nó đã mang lại. Nói như vậy không có nghĩa là Hiệp hội chấp nhận việc các sàn TMĐT xuất hiện việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Chính vì vậy, Hiệp hội đã liên tục mở ra các khóa đào tạo về pháp lý TMĐT cho các cộng đồng kinh doanh, phổ biến rõ các quy định và thông tư để có thể tham gia vào môi trường kinh doanh online một cách lành mạnh.

Còn với người dùng, sau khi mua hàng nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái kém chất lượng cũng có thể lên website Online.gov.vn của Cục TMĐT để tố cáo vi phạm trên đó cơ quan chức năng sẽ xử lý.
Nhìn chung với sự phát triển của TMĐT hiện nay, ông Dũng cho rằng, bên cạnh lên án những cái xấu, người dùng cũng nên ủng hộ những doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng. Thực tế các sàn TMĐT họ đã tạo ra công văn việc làm cho rất nhiều cá nhân cũng như đơn vị kinh doanh, vì thế cần được ủng hộ. Và sắp tới Hiệp hội cũng sẽ ngồi với lãnh đạo các sàn để đưa ra các phương án làm sao cho tốt nhất để làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh TMĐT trong thời gian tới.