Ngắt kết nối Internet trong 5 ngày, cấm mọi thiết bị có thể truy cập mạng, lắp máy dò kim loại ở các điểm thi là cách Algeria đối phó với các nguy cơ gian lận trong kì thi THPT quốc gia.
Từ ngày 20 đến 25/6, sẽ có hơn 700.000 học sinh ở Algeria sẽ tham dự kỳ thi THPT tại 2.000 điểm thi. Để tránh tình trạng từng xảy ra năm 2016 và 2017 khi hàng ngàn thí sinh phải thi lại vì đề thi bị phát tán trên mạng xã hội trước ngày thi cả tuần, năm nay chính phủ nước này đã phải ban hành một động thái cứng rắn.
Cụ thể, nhà chức trách nước này sẽ tạm tắt tất cả loại hình internet trên toàn quốc trong một giờ đồng hồ diễn ra kì thi, bắt đầu vào ngày thứ Tư (20/6) kéo dài đến thứ Hai (25/6). Thời gian ngắt mạng là 1 tiếng và thực hiện 11 lần trong suốt kỳ thi.
Tình trạng gian lận thi cử diễn ra tràn lan trong các năm 2016 và 2017 (Ảnh: Sciencealert)
The Ali Kahlane, Chủ tịch Hiệp hội viễn thông AOTA, cho biết các nhà cung cấp dịch vụ Internet bắt buộc phải tuân thủ yêu cầu này từ chính phủ.
Bên cạnh đó, Algeria còn đưa ra nhiều biện pháp nhằm chống lại nguy cơ rò rỉ thông tin và lộ đề. Bà Nouria Benghabrit, Bộ trưởng Giáo dục, thông tin ở tất cả điểm thi, các thiết bị có truy cập Internet như điện thoại di động hay máy tính bảng đều bị cấm. Máy dò kim loại được lắp tại lối vào điểm thi. Ngoài ra, thiết bị làm nhiễu sóng điện thoại di động và camera giám sát cũng được lắp đặt ở các địa điểm in sao đề.
Algeria quyết định tiến hành động thái mạnh tay nói trên sau khi mùa thi năm 2016 bị hủy hoại bởi tình trạng gian lận thi cử tràn lan. Thời điểm đó, các câu hỏi trong đề thi THPT đã bị phát tán trên phương tiện truyền thông xã hội trước và trong thời gian thi.
Và ngắt kết nối internet là giải pháp được đưa ra (Ảnh: Sciencealert)
Năm 2018, nhà chức trách của quốc gia Bắc Phi đã yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet ngắt truy cập vào mạng xã hội. Những thí sinh đến muộn đã bị cấm tham gia kỳ thi và phải làm một bài kiểm tra được tổ chức đặc biệt. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa đủ để chấm dứt hoàn toàn vấn nạn gian lận thi cử.
Quyết định này cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. “Chính phủ thực hiện việc tắt Internet, song lại không cung cấp dữ liệu cụ thể cho thấy việc cấm đoán sẽ mang lại hiệu quả đến đâu”, Grant Baker đến từ tổ chức SMEX cho biết. SMEX là tổ chức đấu tranh cho tự do Internet trong cộng đồng các nước Ả Rập.
Bộ trưởng Giáo dục Nouria Benghabrit cho rằng dù “không thoải mái” với quyết định này, song họ “không thể thụ động trước những nguy cơ có thể xảy ra”.
Nhật Minh
Có thể bạn quan tâm: