Quyển hồi ức này được tác giả viết xong từ năm 2004 và mặc dù đến nay bà Mai Thị Trình đã không còn trên nhân gian nhưng những đóng góp của bà cho đất nước, xã hội thì vẫn mãi còn đó. 

Tập sách Hồi ức – Những năm tháng không quên

Tuổi thơ của một cô gái được mẹ đặt cái tên hết sức con trai là Trình, được cho ăn mặc và đi học như con trai. Thời xưa ông bà mình vốn còn tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ nhưng may mắn thay là bà được mẹ ngầm kiên quyết cho đi về quê ngoại theo nghiệp đèn sách. Người con gái trải qua thời niên thiếu rồi theo học tại thủ đô Paris hoa lệ nước Pháp. Ở Paris, đươc học và tiếp thu đươc nhiều khiến cô sinh viên thay đổi rất nhiều trong cách sống.
Từ khi học ở Pháp, làm bạn và kết thân sau này lập gia đình cùng anh chàng kỹ sư trẻ Trần Thanh Xuân. Chắc hiếm người biết cô sinh viên Trình quyết định đồng ý kết hôn với anh sinh viên Xuân là do anh sinh viên Khê (Cố GS. TS Trần Văn Khê) vốn là một người bạn tri kỷ của cả hai người đã khẳng định chắc nịnh trong bức thư tay: “Em sẽ không bao giờ gặp được một người nào thích hợp với em hơn là người này đâu, dù là trong hay ngoài nước. Em mà bỏ mối này thì coi như thả mồi bắt bóng. Nói gọn một lời, người này tốt hơn anh”. Lời nói cảm động ấy còn mạnh mẽ hơn lời cầu hôn, cô sinh viên dẹp tan hết lo âu nghi ngại mà quyết định kết hôn.
Rồi những tháng ngày hai ông bà hoạt động khôn khéo dưới sự đùm bọc vô giá của Đảng Cộng sản Pháp (trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp sau đó trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam). Những người thanh niên – trí thức trẻ luôn ý thức vận mệnh của đất nước, dù ở xa vẫn đau đáu về nước nhà. Những năm tháng sau đó (từ 1973), đứng trước khoảnh khắc định mệnh của đất nước, ông bà quyết trở về phục vụ dân tộc, tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh giải phóng quê hương. Và rồi ngày đại thắng 30/04/1975 cũng đến, người con của dân tộc được hòa mình vào hạnh phúc của đất nước trọn niềm vui chung.

Những người con của bà Mai Thị Trình chia sẻ về cuộc đời của mẹ mình

Sau giải phóng và thống nhất đất nước, người trí thức trẻ vẫn trọn vẹn cuộc đời cống hiến qua nhiều vai trò qua thời gian. Có thể nhìn thấy bà Mai Thị Trình hoạt động ở nhiều lĩnh vực theo từng giai đoạn khác nhau nhưng chung quy thì chỉ đơn giản là một người mẹ dù trong hoàn cảnh có thiếu thốn vẫn tuyệt nhiên không hề thấy tủi thân, bằng mọi cách vươn lên để lo được cho con cái.
Giống như quy luật bù trừ của cuộc sống, bà Mai Thị Trình vốn thẳng thắn, bộc trực rất Nam bộ, còn ông Trần Thanh Xuân trái ngược lại mềm mỏng, nhẹ nhàng, sâu sắc. Hai cá tính trái ngược vẫn song hành và bổ sung cho nhau công tác lẫn trong cuộc đời chung chí hướng, lý tưởng. Chỉ khi làm nhiệm vụ Cách mạng, hoạt động bí mật thì phải giữ kín. Một đoạn thơ dành cho vợ của ông Xuân có viết: “Biết nhau một dạ thương ngườ. Con đường dân tộc là nơi hẹn hò”
Cả cuộc đời học tập và cống hiến cho Tổ Quốc đến những năm tháng cuối đời bà Mai Thị Trình vẫn tâm niệm: “Suy cho cùng đã là con người thì không có ai hoàn chỉnh cả. Và không có ngày nào trong đời mà tôi không tự xét mình để ngày hôm sau cố gắng làm tốt hơn ngày hôm nay.”
NXB Văn hóa – Văn nghệ trân trọng giới thiệu quý độc giả cùng lắng đọng với “Những năm tháng không quên” là động lực và lý do tốt nhất để chúng ta sống thật tốt cho mình cho người và cho cuộc đời này.  

Giới thiệu tác giả Bà Mai Thị Trình – sinh năm 1926 mất năm 2017

  • Nhà báo
  • Ủy viên BCH Tổng hội Sinh viên Việt Nam toàn nước Pháp 1949–1955
  • Phóng viên, Biên tập viên TTXVN, Hội nhà báo Việt Nam, TTXGP 1956–1976
  • Chánh văn phòng Ban Khoa học Kỹ thuật TP.HCM 1976-1981