Tháng 3 vừa qua, Uber tuyên bố từ bỏ hoạt động của mình ở khu vực Đông Nam Á, khi thông báo sẽ bán tất cả những gì mình có ở khu vực này cho đối thủ cạnh tranh Grab. Và động thái từ bỏ này của Uber đã khiến rất nhiều người phẫn nộ – bởi đây có thể coi là một hành động hết sức vô trách nhiệm của Uber đối với cả chính quyền sở tại lẫn những tài xế của mình. Theo lời tạp chí Times, CEO Uber là ông Dara Khosrowshahi hiện đang gặp phải sức ép từ các nhà đầu tư để “giảm thiểu lượng lỗ khổng lồ” của hãng này, chuẩn bị sẵn sàng cho phiên IPO sẽ diễn ra trong tương lai. Bởi lẽ trong quá trình phát triển và bành trướng của mình, Uber đã phải đánh đổi bằng những khoản lỗ khổng lồ lên tới hàng tỉ USD. Tuy nhiên, việc Uber nhanh chóng “gỡ tiền” bằng cách bán thị phần Đông Nam Á của mình cho Grab đã khiến các nhân viên của Uber cảm thấy mọi chuyện cứ “mông lung như một trò đùa”, thậm chí có người còn cảm thấy đã bị Uber đường đột chơi một vố rất đau. Trong khi ấy, trong mắt các nhà hành pháp, thì quyết định bán mình của Uber Đông Nam Á còn góp phần trao vào tay Grab sức mạnh độc quyền một cách phi pháp.

Rời khỏi Đông Nam Á, Uber không quên khiến tất cả mọi người ôm một bụng tức khi phải dọn dẹp hậu quả mà hãng này để lại - Ảnh 1.

Có thể thấy, quyết định của Uber tại Đông Nam Á là một nước đi tương đối máu lạnh, mà tệ hơn là chẳng ai có thể làm điều gì để ngăn cản quyết định này – kể cả là chính quyền sở tại. “Uber đã bán toàn bộ mảng hoạt động của mình tại Đông Nam Á cho đối thủ chính của mình là Grab. Điều này đi cùng với thông báo về việc ngừng hoạt động ứng dụng Uber tại khu vực này. Khách hàng của Uber được khuyên chuyển sang dịch vụ Grab, trong khi các tài xế của Uber nhanh chóng mất việc mà không rõ liệu có thể được làm việc tại Grab hay không. Chính quyền sở tại cũng không thể làm gì để ngăn cản thương vụ này, dù cho hậu quả của thương vụ này là sự bành trướng độc quyền của Grab tại khu vực Đông Nam Á, khi đã nuốt chửng được đối thủ cạnh tranh của mình.” Thương vụ với Grab của Uber đã mang lại cho hãng này lợi nhuận kinh ngạc 2,5 tỷ USD, trong khi doanh thu đạt 2,6 tỷ USD trong Q1/2018 – điều hết sức quan trọng khi Uber đang chuẩn bị IPO. Tuy nhiên theo như tạp chí Times, thì Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng của Singapore đã từng điều tra Uber về quá trình sát nhập với Grab, cũng như cấm Grab thay đổi chính sách giá trong lúc chờ đợi tuyên bố cuối cùng của chính quyền về thương vụ này. Còn tại Philippines, giám đốc Uber là ông Brooks Entwistle cho biết rằng “họ đã không còn được công ty mẹ rót tiền vào nữa”, và “Uber sẽ không bao giờ quay trở lại thị trường Đông Nam Á”.

Rời khỏi Đông Nam Á, Uber không quên khiến tất cả mọi người ôm một bụng tức khi phải dọn dẹp hậu quả mà hãng này để lại - Ảnh 2.

Trong khi ấy, Malaysia và Việt Nam cũng đang gấp rút tiến hành điều tra về thương vụ giữa Uber và Grab, và tỏ ý sẽ sẵn sàng can thiệp không cho thương vụ này hoàn thành nếu như nó tạo ra tình trạng độc quyền một cách trái phép cho Grab. Tuy nhiên, đối với Uber mà nói, thì họ cũng chẳng có lý do gì để phải can dự với những rắc rối ở khu vực Đông Nam Á làm gì, bởi theo lời giám đốc Barney Harford của Uber thì họ chỉ chiếm 27,5% cổ phần của công ty mới sau sáp nhập, chính vì vậy “không nắm bất cứ quyền điều hành nào, và có vấn đề gì về mặt pháp lý thì xin mời tìm đến đúng người”. Nói cách khác: “bọn tôi rút đây, ở Đông Nam Á còn vấn đề gì thì mời các người tự giải quyết với nhau, đừng làm phiền chúng tôi nữa”. Cơ quan chức năng chống độc quyền tại Philippines cho biết, hiện nay ở quốc gia này Grab đang chiếm tới 93% thị phần, dẫn đến tình trạng giá thì cao còn chất lượng dịch vụ ngày càng trở nên tệ hại – do đó Grab rất có thể sẽ phải hứng chịu những khoản phí phạt nặng nề của các cơ quan chống đột quyền. Trong khi ấy, một đối thủ của Grab đến từ Malaysia mang tên Go-Jek tin rằng, Grab sẽ không thể nào “nuốt trôi” thị trường Đông Nam Á, và tuyên bố kế hoạch sẽ cạnh tranh trực tiếp với Grab trong thời gian tới. Tham khảo Gizmodo