“Những năm gần đây, các cuộc tấn công mạng truyền thống vào doanh nghiệp Đức đã giảm, nhưng thay vào đó là hàng loạt vụ mua lại công ty công nghệ”, ông Maassen nói.
“Chúng ta chắc chắn phải quan tâm tới vấn đề này nếu biết rằng phía sau các nhà mua tiềm năng là một chính phủ ngoại quốc với ý đồ xâu xa hơn chuyện mua lại doanh nghiệp”, Bloomberg dẫn lời ông Maassen phát biểu tại Berlin giữa tuần này.
Báo cáo của cơ quan này còn cho biết tình báo Trung Quốc đã chuyển hướng hoạt động gián điệp chính trị, trong đó có thu thập thông tin của các cơ quan Liên minh châu Âu (EU) và thông tin về Hội nghị G20 nhằm nắm được quan điểm của các cơ quan này đối với Trung Quốc.
Trước tình hình này, Berlin tiên phong trong số các nước EU tiến hành sàng lọc doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Đức. Thực tế, chính quyền của bà Angela Merkel đã không ít lần ngăn chặn thành công ý định mua lại cổ phần nhiều doanh nghiệp hàng đầu nước này của Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi ngoại lệ. Đó là trường hợp tỉ phú Trung Quốc Lý Phúc Thư trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Daimler AG, công ty mẹ hãng xe Mercedes-Benz danh tiếng.
Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Hans-Georg Maassen và Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đều coi hoạt động mua lại doanh nghiệp Đức của Trung Quốc là nỗ lực thu nhỏ khoảng cách cạnh tranh kinh tế ở thị trường nước ngoài.
Hồi tháng 4, Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier của Đức bày tỏ ngày càng lo lắng khi Trung Quốc có trong tay công nghệ cốt lõi, vì vậy Berlin có thể hạ ngưỡng can dự vào việc đơn vị ngoại quốc mua lại doanh nghiệp nước này.