Nhà thông minh là xu hướng tất yếu của thế giới trong thời kỳ Công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên Internet Of Thing (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Nhà thông minh đang là xu hướng công nghệ tất yếu của thế giới trong kỷ nguyên Internet Of Things (IoT). Tuy nhiên, đây vẫn được coi là “công nghệ của nhà giàu” bởi chi phí không hề rẻ. Nắm bắt thực tế đó, nhóm sinh viên Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic vừa thực hiện dự án nhà thông minh, biến nhà thường thành Smarthome với chi phí chỉ 3 triệu đồng.
Khi thế giới dần tiến vào kỷ nguyên Internet Of Things (IoT), việc sử dụng các thiết bị thông minh như smartphone, tablet để kết nối, điều khiển mọi vật dụng sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Theo đó, nhà thông minh nhanh chóng trở thành xu hướng nhà ở mà tất cả mọi người muốn sở hữu.
Về cơ bản, hệ thống nhà thông minh cho phép điều khiển các thiết bị trong nhà như đèn chiếu sáng, rèm cửa, điều hòa nhiệt độ, ti vi, giàn âm thanh, bình nóng lạnh… một cách tự động và tập trung, nhằm tạo ra sự tiện nghi, thoải mái, tiết kiệm năng lượng và an ninh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình này còn xa lạ với nhiều gia đình bởi lo ngại chi phí lắp đặt, vận hành.
Với mong muốn đem công nghệ này đến gần hơn với người dùng cùng chi phí hợp lý, nhóm sinh viên SHS gồm 4 thành viên: Phạm Tiến Dũng, Vũ Ngọc Đắc, Trần Nguyên Cường, Lê Thành Trường Sơn, những sinh viên đang theo học chuyên ngành Lập trình máy tính – Thiết bị di động tại Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic đã thực hiện dự án Nhà thông minh dành cho những gia đình tầm trung hoặc thấp.

Nhóm sinh viên SHS thuộc chuyên ngành Lập trình máy tính – Thiết bị di động Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic vừa thực hiện dự án Nhà thông minh dành cho những gia đình tầm trung hoặc thấp.

Chia sẻ về ứng dụng này, Phạm Tiến Dũng cho biết: “Sản phẩm được nhóm dự án thực hiện với mục đích đem nhà thông minh đến gần hơn với người dùng Việt Nam. Giúp người dùng thoải mái hơn khi ở nhà. Thay vì người dùng phải bật từng công tắc, tự mở rèm cửa, bật tivi và chuyển kênh thủ công, nhấn nút để mở của cuốn thì bây giờ, người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại Android kết nối Internet và nói để ra lệnh cho điện thoại điều khiển tất cả các thiết bị điện trong nhà”.
Theo đó, để biến nhà thường thành Smarthome, mỗi gia đình sẽ lắp đặt các bộ thiết bị router Wi-Fi thay thế các hộp điện có sẵn trong nhà.Trung bình mỗi hộp điện có từ 2-4 công tắc, mỗi phòng có từ 1-3 hộp điện thì sẽ thay thế bằng 1-3 bộ thiết bị. Các bộ thiết bị này và điện thoại kết nối cùng một mạng Wi-Fi. Qua một ứng dụng trên điện thoại, người dùng có thể dễ dàng kết nối trực tuyến đến các bộ thiết bị và đặt lệnh điều khiển. Ví dụ như “Tiếp khách” là bật sẵn đèn, quạt, tivi phòng khách. “Về nhà” là bật đèn cổng, phòng khách, máy nước nóng, điều hòa…

Hình ảnh demo ứng dụng Smarthome do nhóm sinh viên SHS đến từ Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic thực hiện.

Sản phẩm sử dụng Android Studio và API Google Speech-to-Text để lập trình ứng dụng Android, mạch thu phát Wi-Fi BLE SoC ESP32 ESP-WROOM-32, remote học lệnh RF, mắt thu và mắt phát hồng ngoại IR. Với kết cấu và thiết bị tối giản, dự án này sẽ biến những ngôi nhà bình thường thành smarthome chỉ với chi phí khoảng 3 triệu đồng. Đây được đánh giá là mức chi phí “rẻ đến không tưởng” trên thị trường hiện nay.
Mặc dù mới chỉ là những sinh viên năm nhất, chưa thuần thục về code để lập trình Android và hạn chế về kinh phí nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, nhóm sinh viên SHS của Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic đã hoàn thành xuất sắc dự án. Đem dự án tham gia thi đấu tại cuộc thi lập trình “FPT Edu Hackathon 2018”, nhóm SHS đã làm hài lòng ngay Ban giám khảo, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để đi tiếp vào vòng Chung kết cuộc thi này.
Chia sẻ về dự định của nhóm trong thời gian tới, sinh viên Phạm Tiến Dũng cho biết:  “Nhóm sẽ cố gắng hoàn thiện hơn dự án và thi đấu hết mình tại vòng Chung kết “FPT Edu Hackathon 2018”, đem vinh quang về cho Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic”. Với dự án thiết thực này, hy vọng smarthome sẽ tới gần hơn với người dùng và trở thành công nghệ thiết yếu của mỗi gia đình trong tương lai không xa.
FPT Edu Hackathon 2018 là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) tổ chức lần đầu tiên, với chủ đề Mạng lưới kết nối vạn vật (IoT). Được tổ chức nhằm khuyến khích tính sáng tạo, khả năng ứng dụng công nghệ giải bài toán thực tiễn của học sinh, sinh viên, FPT Edu Hackathon mùa đầu tiên dành cho các học sinh, sinh viên của các đơn vị trong hệ thống giáo dục FPT (gồm Đại học FPT, Đại học Greenwich, Đại học trực tuyến FUNiX, FPT Aptech, FPT Arena, FPT Jetking, BTEC, FPT Polytechnic, FPT School) và có tổng giá trị giải thưởng lên tới gần 200 triệu đồng.
Với FPT Edu Hackathon 2018, các thí sinh sẽ thi đấu theo đội, mỗi đội gồm 3-4 người. Cuộc thi có 2 bảng đấu với hệ thống giải thưởng riêng biệt và trải qua 3 vòng thi: vòng ý tưởng, vòng sơ loại và vòng chung kết. Trong vòng ý tưởng, BGK đánh giá năng lực các đội dựa vào ý tưởng dự thi và kết quả thi trên Codefights, nhằm chọn ra 26 đội bước vào vòng sơ loại. Các đội này sẽ tham gia phỏng vấn để chọn ra 14 đội có ý tưởng và khả năng áp dụng công nghệ tốt nhất bước vào vòng chung kết.
Dự kiến diễn ra trong 2 ngày 9-10/6 tại campus Hoà Lạc, Hà Nội của FPT Education, vòng chung kết FPT Edu Hackathon 2018 là nơi thi tài của 14 đội đến từ 2 bảng thi đấu, cùng nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong thời gian 48 tiếng không nghỉ. Sau đó, các đội sẽ thực hiện demo sản phẩm và thuyết trình sản phẩm trước BGK.