Có lẽ sẽ là không quá khi nói rằng tôi chỉ mất 1 năm để cạn hết tình yêu với chiếc iPhone 6. Đúng vậy, đã có thời, như bao người hâm mộ công nghệ khác, tôi dõi theo từng thế hệ iPhone ra mắt. Tôi vẫn còn nhớ mình đã từng phấn khích khi Apple (cuối cùng) cũng chịu ra mắt những chiếc iPhone cỡ lớn đầu tiên.
Thế rồi, chỉ vài tháng sử dụng tôi đã nhận ra smartphone không còn gì thú vị cả. Chiếc iPhone 6 Plus của tôi về bản chất vẫn chỉ là… smartphone, vẫn là những tính năng quen thuộc như web hay mail hay Facebook… Ảnh chụp có đẹp hơn, xem YouTube có “sướng” hơn, nhưng chẳng có bất cứ thứ gì khiến tôi cảm thấy choáng ngợp như lần đầu được dùng iPhone 4 (cũng là chiếc smartphone đầu tiên của tôi) vào năm 2010 cả.
Với suy nghĩ này, năm vừa rồi tôi quyết định sẽ không mua mới smartphone đắt tiền nữa. Bỏ ra chỉ 8 triệu đồng, tôi chọn một chiếc Android tầm trung đến từ một nhà sản xuất top 5.
Tôi đã từng nghĩ bỏ tiền ra mua smartphone đầu bảng không còn là cần thiết nữa.
Những hối hận chính thức bắt đầu từ đây.
Trải nghiệm bực mình
Lý do đầu tiên khiến tôi viết bài viết này là vì tôi không còn muốn sử dụng chiếc điện thoại của mình nữa. Một ngày, smartphone của tôi có hiện tượng hình bị mờ. Tôi mang đi bảo hành và bị nhân viên cửa hàng cãi lên cãi xuống rằng smartphone không lỗi, nếu muốn thay màn hình thì cửa hàng sẽ sử dụng linh kiện “ngoài” với giá hơn 1,5 triệu đồng.
Cũng may là tôi kiên quyết đòi đổi mới và cửa hàng này cũng nhượng bộ, nhưng rõ ràng là tôi đã phải đánh đổi thời gian và sự bực mình để “tiết kiệm”.
Quan trọng hơn, cuộc nói chuyện với người bán hàng làm tôi phải suy nghĩ. Hiện tại, model smartphone của tôi đang được bày bán với giá khoảng 5 triệu đồng. Đến khi chiếc máy của tôi hết bảo hành, giá thị trường sẽ còn hạ thấp hơn nữa. 
Với các thương hiệu “chiếu dưới”, người dùng nếu bị vỡ màn hình thường bỏ luôn điện thoại rồi mua mới chứ không sửa chữa.
Điều đó cũng có nghĩa rằng chi phí sửa điện thoại nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra cũng sẽ trở nên vô lý: tôi có nên bỏ 1 triệu đồng để sửa điện thoại và chấp nhận trải nghiệm không “hoàn hảo”, hay mua luôn một chiếc Android giá “rẻ” khác?
Tiết kiệm về lâu dài
Nếu chi phí sửa là vô lý, tôi sẽ buộc phải nghĩ đến tình huống này: điều gì sẽ xảy ra tôi lỡ tay làm rơi, làm điện thoại vỡ màn hình? Điều gì sẽ xảy ra nếu đến thời điểm 2 năm điện thoại của tôi gặp những lỗi mà các hãng sản xuất sẽ không thừa nhận, ví dụ như màn hình ám vàng, màu sắc bị mờ, màn hình chập chờn? 
Một lần nữa, gặp tình huống này, tôi dám chắc rằng nhiều người sẽ không sửa chữa mà mua mới. Nhưng nếu mua mới, trong tổng cộng là 4 năm sử dụng, tôi sẽ “cúng” cho các tên tuổi “chiếu dưới” (các nhà sản xuất Android tầm trung/tầm thấp) khoản tiền gần bằng smartphone cao cấp. Với 10 triệu đồng, tôi có thể dễ dàng mua Galaxy S hoặc iPhone Plus đời cũ, hoặc chọn luôn một mẫu tầm trung đời mới – Galaxy A8 với camera kép và màn hình AMOLED chẳng hạn.
Nếu sử dụng lâu dài, tôi sẽ muốn dùng iOS “thật” hơn là iOS bản “copy” này.
Mà, nếu đã tính thời gian sử dụng lên tới 4 năm, tôi thà dùng iPhone hay Galaxy còn hơn là smartphone của các hãng vốn chuyên về “giá rẻ”. Cho dù chi phí sửa màn hình cho 2 hãng đứng đầu thị trường cũng chẳng hề rẻ, trải nghiệm sử dụng iPhone và Galaxy cao cấp vẫn tốt hơn những gì tôi đã nhận được từ chiếc smartphone hiện tại của mình. Chất lượng hiển thị dở tệ, camera số “chấm” cao mà chụp ảnh vẫn xấu, bokeh giả tạo, phần mềm “nhái” Apple và không tối ưu với người dùng… tiếng Anh là một vài điểm yếu khó chấp nhận mà tôi có thể nghĩ đến.
Và đến khi chúng đã cũ, ít nhất tôi vẫn có thể mang hàng Apple, hàng Samsung đi sửa một cách dễ dàng. Khi đã cũ, giá trị còn lại của iPhone và Galaxy chắc chắn vẫn sẽ cao hơn điện thoại Trung Quốc ít tên tuổi. Sự tiết kiệm khi mua điện thoại giá rẻ có vẻ như chỉ áp dụng ngay khi bạn bỏ tiền túi ra trả cho cửa hàng.
Muốn giữ cũng không được
Những bất lợi của smartphone giá rẻ là quá nhiều. Hãy nhớ rằng Vivo, Meizu và nhiều thương hiệu Trung Quốc khác…, tất cả đều không phổ biến bằng iPhone và Galaxy. Tìm kiếm cửa hàng có linh kiện để thay cho iPhone hay Galaxy dễ hơn tìm cửa hàng phục vụ “chiếu dưới” rất nhiều.
“Hỏng là vứt”: Câu chuyện không hề xa lạ với các thương hiệu giá rẻ.
Cuối cùng, tôi quyết định đem bán luôn chiếc smartphone vừa đổi trả khi nhân viên cửa hàng nọ nói với tôi trong sự khó chịu “Anh cố gắng dùng giữ gìn”. Giữ gìn ư? Tôi tất nhiên sẽ cố giữ, nhưng ai nói trước được chuyện “tai nạn” smartphone? Tôi phải giữ thế nào thì điện thoại mới không mờ hình, nhất là khi không thiếu người dùng đăng đàn diễn đàn của chính nhà sản xuất để nói họ bị lỗi tương tự? Lần sau, nếu tôi bị lỗi này, biết mang đâu để sửa? Cửa hàng nọ sẽ “chào đón” tôi kiểu gì?
Quá nhiều câu hỏi, quá nhiều bất tiện. Thôi nhé, xin chào smartphone giá rẻ từ nay! Chia buồn với người mua: Apple vừa tiếp tay cho cả thị trường nâng giá smartphone đầu bảng lên tận mây xanh