Với ROG Phone ra mắt bất ngờ tại Computex của Asus, có thể thấy rõ niềm tin của hãng vào thị trường smartphone chuyên game. Trước đó không lâu, Razer, Xiaomi hay Nubia cũng thử tìm kiếm cơ hội ở “mảnh đất này”.
Nhưng lịch sử trong quá khứ đã chứng minh điện thoại chơi game là quyết định mạo hiểm. Ngay cả Nokia khi đang ở đỉnh cao thành công cũng thất bại với N-Gage.
Trong khi chờ xem ROG Phone có “làm nên chuyện” hay không, cùng điểm lại những chiếc điện thoại, sản phẩm chơi game di động từng xuất hiện trong quá khứ.
1. Nokia N-Gage
Mọi thứ bắt đầu từ đây. Ra mắt cuối năm 2003, N-Gage được mệnh danh là “Gameboy của ngành di động”. Thiết kế của N-Gage tương đồng với Nokia 3300 nhưng màn hình lớn hơn, thêm một vài nút bấm, hỗ trợ nhiều người chơi cùng lúc qua Bluetooth hoặc dịch vụ N-Gage Arena. Khác với những thiết bị hiện đại, game cho N-Gage được cung cấp trong thẻ nhớ MMC, nhưng phức tạp là bạn phải tháo pin để gắn thẻ game.
Với hình dáng khá “dị” cùng thao tác cầm nghe điện thoại chẳng giống ai, N-Gage có một nickname đó là “taco phone” (điện thoại bánh taco).
2. Nokia N-Gage QD
Khoảng nửa năm sau N-Gage, Nokia trình làng bản nâng cấp N-Gage QD giải quyết nhiều khuyết điểm trên phiên bản tiền nhiệm. Trước hết, khe thẻ game MMC có thể mở và gắn dễ dàng ở cạnh dưới, cùng bộ adapter giúp gắn 2 thẻ cùng lúc.
Quan trọng nhất là loa thoại đã được dời sang góc trên bên phải nên bạn không phải cầm nghe điện thoại theo cách quái gở như trước. Nút OK được tách riêng thay vì nằm giữa cụm phím điều hướng 4 chiều.
Điểm yếu của N-Gage QD là không có loa stereo, nghe đài FM, trình nghe nhạc MP3 từng xuất hiện trên N-Gage đời đầu, đó là lý do mà giá bán N-Gage QD rẻ hơn.
Nokia chỉ bán được 3 triệu chiếc N-Gage tính đến năm 2007, bằng một nửa so với mục tiêu ban đầu.
3. Gizmondo
Đây không hẳn là điện thoại chơi game, nó là máy game cầm tay có băng tần di động GSM cho ứng dụng nhắn tin SMS, MMS và email.
Gizmondo được Tiger Telematics ra mắt tháng 3/2005 với dàn nút chơi game cơ bản, màn hình LCD 2.8 inch 320×240 pixel, khe thẻ game SD, Bluetooth, GPS và camera sau VGA.
Thông số của Gizmondo khá tiên tiến so với máy chơi game thời điểm đó, nhưng giá bán lại quá cao: 400 USD. Hãng cũng có bản giá rẻ chỉ 229 USD nhưng bao gồm khá nhiều quảng cáo làm ảnh hưởng đến trải nghiệm.
Tuy nhiên, sai lầm của Tiger Telematics chính là thời điểm ra mắt không hề thuận lợi cho Gizmondo khi cùng lúc đó Nintendo bán ra máy game cầm tay DS tại châu Âu, còn Sony thì dần tung ra PSP trên toàn cầu.
Với chỉ 14 game giới thiệu chính thức cùng chưa đầy 25.000 máy bán ra, Tiger Telematics đã ngừng hoạt động sau đó 11 tháng. Theo Engadget, đã từng có nhiều nỗ lực tái hoạt động lại công ty nhưng đều không thành.
4. Samsung SPH-B5200
Tháng 3/2006, Samsung giới thiệu mẫu “Gamephone cao cấp” với cụm phím điều hướng game lộ ra khi trượt máy theo dạng ngang cùng gia tốc kế điều khiển chuyển động. Hãng cũng tích hợp bộ thu truyền hình kỹ thuật số DMB tận dụng màn hình LCD 3 inch QVGA trên SPH-B5200.
Tuy nhiên, thiết bị gần như “biến mất” ngay sau khi ra mắt.
5. Nền tảng chơi game N-Gage 2.0
Không còn ra mắt điện thoại N-Gage, Nokia quyết định thay đổi chiến lược, biến N-Gage thành cửa hàng cung cấp game trên các thiết bị. Nền tảng hoạt động vào tháng 4/2008, 3 tháng trước khi Apple phát hành App Store cho iOS. Nokia N81 ra mắt tháng 8/2007 là thiết bị đầu tiên có 2 nút chơi game chuyên dụng hỗ trợ nền tảng này.
Nhưng Nokia một lần nữa thất bại với chiến lược game di động. Tháng 10/2009, tức chỉ sau hơn 1 năm, công ty Phần Lan tuyên bố đóng cửa nền tảng N-Gage để tập trung vào Ovi Store.
6. Sony Ericsson Xperia Play
Còn được gọi là “PlayStation Phone” (điện thoại PlayStation), Xperia Play ra mắt vào tháng 4/2011. Đây là dự án đầy tham vọng với mong muốn đẩy mạnh mảng di động của Sony nhờ bộ phận chơi game.
Xperia Play không chỉ có cụm phím điều khiển quen thuộc của PlayStation, phím “vai” (shoulder button), cần analog ảo mà còn tích hợp cửa hàng bán game PlayStation One đầy cảm giác “tuổi thơ”.
Tuy nhiên nó cũng không thành công, dòng Xperia Play bị “bỏ xó”, ý tưởng về “PlayStation Phone” cũng gần như… chết yểu.
7. iReadyGo Much 3G (i2)
Khoảng 6 tháng trước Sony PS Vita, công ty Trung Quốc mang tên iReadyGo đã trình làng Much 3G (i2), mẫu smartphone chơi game 3G đầu tiên của Trung Quốc.
Thiết bị chạy Android 2.3.4, màn hình LCD 5 inch 800×480 pixel, vi xử lý Samsung Hummingbird 1GHz (cũng được trang bị trên Galaxy S đời đầu), RAM 512MB, bộ nhớ trong 16GB, pin 3.000 mAh cùng giá bán khoảng 250 USD. Dù có cụm phím chơi game và cấu hình khá mạnh (ở thời điểm ấy), nhưng thiết bị không gây được tiếng vang lớn.
Tháng 2/2013, hãng tiếp tục ra mắt i4 với ngoại hình giống PS Vita nhưng cấu hình mạnh hơn, vi xử lý Samsung Exynos 4412 4 nhân 1.4GHz, RAM 1GB, bộ nhớ trong 16GB tốc độ cao và chạy Android 4.0.4. Với giá bán khoảng 310 USD, nó cũng không thể tạo ra cuộc cách mạng cho điện thoại chơi game.
8. iReadyGo Much W1 / Snail Mobile 78P01
Sau 2 “bản sao” của PS Vita, công ty Trung Quốc sau đó trình làng Much i5 tháng 7/2013 với thiết kế khác biệt một chút, màn hình 5 inch HD, vi xử lý MTK6589 và 2 SIM. Bản nâng cấp Much W1 ra mắt sau đó hơn 1 năm với vi xử lý MTK6592 1.7GHz, tăng gấp đôi RAM và giá 310 USD.
iReadyGo không bao giờ cung cấp số liệu bán hàng, nhưng một công ty Trung Quốc khác là Snail Mobile đã đổi tên W1 thành 78P01, bán ra với giá thấp hơn: 155 USD. Không lâu sau đó, Snail Mobile thâu tóm iReadyGo.
Sau 14 tháng “ở ẩn”, chiếc Much W3D ra mắt tháng 9/2016 với màn hình 5.5 inch Full HD công nghệ 3D, pin 4.000 mAh, vi xử lý mạnh hơn cùng kết nối 4G, nhưng chừng đó không đủ để thiết bị thành công trên toàn cầu.
9. Acer Predator 6
Trước ROG Phone khá lâu, người bạn “đồng hương” Acer đã trình làng smartphone chơi game vào tháng 9/2015 mang tên Predator 6.
Cấu hình của Predator 6 lúc đó rất mạnh mẽ với vi xử lý MediaTek 10 nhân, RAM 4GB, màn hình 6 inch “HD” và 4 loa ngoài xung quanh mặt trước.
Khá đáng buồn khi Acer Predator 6 không bao giờ được bán ra, nhưng bạn có thể tìm thấy thiết kế tương tự trên mẫu tablet chơi game Predator 8.
10. Moto Gamepad
Sản phẩm cuối cùng là phụ kiện mang tên Gamepad bổ sung tay cầm chơi game cho điện thoại Motorola.
Ra mắt tháng 8 năm ngoái, đây là ý tưởng khá hay nhưng Moto cần thêm nhiều thứ đặc biệt hơn ngoài cụm phím chơi game để Gamepad có thể thành công.
Phúc Thịnh