Mới đây, Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) đã chính thức công bố kết quả điều tra việc sử dụng phần mềm trên phạm vi toàn cầu.
Theo đó, năm 2017, tỷ lệ máy tính cá nhân tại Việt Nam cài đặt phần mềm không bản quyền là 74%. Mặc dù vẫn ở mức cao nhưng tỷ lệ dùng phần mềm không bản quyền ở Việt Nam đã giảm 4% so với năm 2015.
Các phần mềm không bản quyền sẽ không cho phép các doanh nghiệp tổ chức nhận được bản “cập nhật an ninh”, “bản vá”, “nâng cấp”… từ các hãng phần mềm. Đại diện Liên minh Phần mềm doanh nghiệp cho biết: Trong năm 2016, lượng tiêu thụ máy tính cá nhân (PC) tuy giảm nhưng lượng cài đặt phần mềm tiêu dùng lại tăng, đồng thời, các cơ quan quản lý tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tăng cường sử dụng phần mềm có bản quyền, thực thi Luật Sở hữu trí tuệ… Thực tế cho thấy, từ những lo ngại về vấn đề mất an toàn máy tính, thông tin, dữ liệu… do sử dụng phần mềm không hợp pháp, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động tìm đến các nguồn cung cấp phần mềm đáng tin cậy hơn. Các chuyên gia công nghệ khuyến cáo, để giảm nguy cơ tấn công mạng và gia tăng kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam cần rà soát tất cả phần mềm trong hệ thống nội bộ của doanh nghiệp, loại bỏ các phần mềm không bản quyền.
Năm 2017, việc điều tra của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp về phần mềm được cài đặt trên máy tính cá nhân được tiến hành ở 110 quốc gia, thu thập gần 23.000 phiếu trả lời của người tiêu dùng, người lao động, giám đốc các đơn vị công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực.
Kết quả chung cho thấy, tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền trên toàn cầu giảm nhẹ nhưng vẫn rất phổ biến, chiếm tới 37% tổng số phần mềm được cài đặt trên máy tính cá nhân, giảm 2% so với năm 2016.
Việc sử dụng phần mềm không bản quyền khiến mã độc từ phần mềm không bản quyền này gây thiệt hại cho doanh nghiệp trên toàn thế giới gần 359 tỷ USD/năm.