Ào ạt đầu tư vào các Start-up Đông Nam Á
Các thông số thống kê từ Google cho thấy thị trường Đông Nam Á hiện có tới 260 triệu người dùng Internet, chủ yếu nằm ở 6 nước Singapore, Indonesia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 480 triệu vào năm 2020. Rõ ràng Đông Nam Á và Ấn Độ là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển công nghệ mới.
Ngoài ra, với đặc thù người dùng Đông Nam Á chủ yếu sử dụng Internet trên các thiết bị di động, càng khiến cho thị trường này thêm hấp dẫn các nhà đầu tư công nghệ mới.
Điều đó lý giải vì sao mà chỉ riêng năm 2017, Alibaba -tập đoàn của tỷ phú Jack Ma đã thực hiện được 3 thương vụ đầu tư lớn vào các Start-up triển vọng Đông Nam Á: đó là vào Lazada, Tokopedia và Grab.
Cụ thể, tháng 4/2016, Alibaba bỏ 1 tỷ USD để mua cổ phần của Lazada. Chỉ sau đó một năm, Tập đoàn này đã chi thêm khoảng 1 tỷ USD để mua thêm 32% cổ phần tại Lazada, nâng số cổ phần nắm giữ tại sàn thương mại điện tử này từ 51% lên hơn 83%. Sang năm 2018, trang Tech In Asia cho biết Alibaba đã chính thức “cài người” của mình vào lãnh đạo Lazada, thể hiện rõ tham vọng thống lĩnh thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Cũng trong năm 2017, start-up Tokopedia, ứng dụng thương mại điện tử của Indonesia đã nhận khoản rót vốn lên tới 1,1 tỷ USD từ Alibaba.
Không chỉ thế, theo nguồn tin nội bộ của TechCrunch, sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm đối thủ Uber tại Đông Nam Á, Grab sẽ được nhận một khoản vốn đầu tư lớn từ Alibaba. Giá trị của khoản đầu tư cũng như thời gian Alibaba thực hiện rót vốn hiện vẫn chưa được tiết lộ, tuy nhiên nhiều nguồn tin nội bộ tiết lộ vòng góp vốn này nhằm tăng cường nguồn lực cho dịch vụ thanh toán GrabPay mà Grab đang đẩy rất mạnh tại các thị trường Đông Nam Á. Tại Việt Nam, dù chưa được cấp phép trung gian thanh toán, xong GrabPay đã được cung cấp tới tất cả người dùng sử dụng dịch vụ gọi xe của Grab với rất nhiều chiêu khuyến mãi để hút khách.
Ngoài lĩnh vực thương mại điện tử, trung gian thanh toán cũng là một cuộc chơi mà Alibaba đang đặc biệt quan tâm. Tháng 11/2015, Ant Financial, công ty con chuyên về tài chính của Alibaba đã mua cổ phần của M-Daq (Singapore), công ty đang sở hữu nền tảng Aladdin phục vụ các giao dịch xuyên biên giới, giúp cho giao dịch ít tốn kém hơn và dự đoán tỷ giá chính xác hơn cho người bán. “Nếu như Alibaba muốn đẩy mạnh việc giao thương giữa người bán tại Trung Quốc với người mua ở các thị trường khác, Aladdin chắc chắn là rất cần thiết”, một nhà phân tích nhận định.
Tháng 11/2016, Tập đoàn này tiếp tục mua 20% cổ phần của Ascend Money, một công ty chuyên về dịch vụ tài chính của Thái Lan. Ascend Money sở hữu ví điện tử True Money đang được triển khai rộng rãi tại Thái Lan và một số thị trường khác. Tại Việt Nam, Ascend Money vừa mua lại 90% cổ phần tại công ty 1Pay và True Money Việt Nam cũng đã được cấp phép trung gian thanh toán/ví điện tử chính thức.
Tại các thị trường như Philippines hay Malaysia, Alibaba cũng đang sở hữu cổ phần của rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử, thanh toán như Mynt hay Touch’n’Go…
Cũng giống như Alibaba, Tencent, một đại gia công nghệ khác của Trung quốc cũng đã hiện diện rất rộng trong giới công nghệ Đông Nam Á.
Tencent đang đầu tư vào công ty dịch vụ âm nhạc Joox, công ty truyền thông Sanook (Thái Lan), Garena, VNG (Việt Nam)…. Trong đó Garena (nay đã đổi tên thành SEA) chính là một trong những thương vụ đầu tư chủ chốt nhất.
Tháng 5/2017, Garena đã gọi được 550 triệu USD từ Tencent. Dù hiện tại trụ sở được đặt tại Singapore, nhưng diện hoạt động “phủ sóng” của SEA rộng khắp Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Các lĩnh vực thế mạnh của SEA là trò chơi điện tử trực tuyến, thương mại điện tử (SEA đang sở hữu website thương mại điện tử Shopee đứng thứ ba về thị phần tại Việt Nam), trung gian thanh toán (SEA đang sở hữu hơn 40% cổ phần tại VNPay, đồng thời cũng có một cổng trung gian thanh toán của riêng mình là Air Pay)….
Theo Bloomberg, Tencent hiện kiểm soát hơn 39,5% cổ phần của Garena và đây đều là cổ phần hạng B, với quyền bỏ phiếu mạnh hơn so với cổ phần hạng A. Cơ cấu hai hạng cổ phần này nhằm đảm bảo rằng kể cả sau khi Garena lên sàn chứng khoán thì Tencent vẫn giữ được quyền kiểm soát và khống chế đối với công ty. Tỷ lệ sở hữu này cao hơn nhiều so với số lượng cổ phần mà Tencent đang nắm tại VNG. Theo báo cáo thường niên mà VNG nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, con số này chỉ dừng lại ở mức 30% và chủ yếu tập trung ở mảng trò chơi điện tử.
Tiếp tục với tham vọng bành trướng thế lực ở Đông Nam Á, gần đây Tencent đã đầu tư vào Go-Jek, một ứng dụng gọi xe của Indonesia. Theo một nguồn tin, thương vụ này đã hoàn thành với số tiền 1,2 tỷ đô la, và đưa Go-Jek trở thành start-up tỷ đô đầu tiên của Indonesia, dù thông tin này chưa được Tencent chính thức công bố. Cũng theo nhiều nguồn tin, Go-Jek đang rất tích cực xin cấp phép để có thể xâm nhập thị trường Việt Nam, trở thành đối thủ mới của ứng dụng gọi xe Grab.
Nước Mỹ cũng phải e dè
Không chỉ bó hẹp ở Đông Nam Á, cả Tencent và Alibaba đều đã mở văn phòng tại Mỹ cũng như thực hiện hàng loạt thương vụ đầu tư vào các công ty Mỹ.
Trong năm 2017, tập đoàn Tencent đã âm thầm thực hiện nhiều thương vụ đầu tư lớn vào các công ty Mỹ như 5% cổ phần tại Tesla, 10% cổ phần Snapchat hay hãng công nghệ Essential Products. Gần đây nhất là khoản đầu tư mua 10% cổ phần của hãng dịch vụ âm nhạc và video trực tuyến Spotify. “Hãng xe có tầm nhìn xa nhất thế giới, ứng dụng chat giới trẻ đang nghiện nhất thế giới và dịch vụ nghe nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới -đó chính là những gì Tencent đã lựa chọn đầu tư”, Financial Times nhấn mạnh.
Tập đoàn này cũng đang sở hữu 84% cổ phần của Supercell, công ty game Hà Lan nổi tiếng với những tựa game đình đám thế giới như Clash of Clans, Hay Day và Boom Beach.
Alibaba cũng không thua kém về độ phủ của mình tại Mỹ, khi đầu tư 200 triệu USD vào Snapchat năm 2015. Trước đó, năm 2014 Alibaba đổ 215 triệu USD vào mua cổ phần ứng dụng chat Tango, nối bước Facebook. Alibaba cũng rót 206 triệu USD vào dịch vụ mua sắm ShopRunner, 250 triệu USD vào ứng dụng gọi xe giá rẻ Lyft -đối thủ chính của Uber tại Mỹ – và 120 triệu USD vào nhà phát triển trò chơi Kabam.
Có thể nhận thấy, với tiềm lực tài chính mạnh, các ông lớn của Trung Quốc đang không ngừng vươn tầm ảnh hưởng của mình ra khắp thế giới khi họ sẵn sàng chi cả núi tiền để tiếp cận được những công nghệ hứa hẹn trong tương lai. Sự bạo tay của các đại gia như Alibaba, Tencent đã giúp Trung Quốc vượt mặt Mỹ để trở thành “kênh rót vốn” số 1 thế giới, xét riêng về quy mô thị trường, theo Quỹ đầu tư mạo hiểm Atomico.
Khôi Linh