Cuộc chiến trường kỳ vì bảo mật trên điện thoại Android vừa chứng kiến một bước lùi đáng quan ngại tại Hà Lan, khi tòa án nước này vừa rồi đã bác bỏ một nỗ lực từ phía người tiêu dùng ép buộc Samsung phải thay đổi.
Cụ thể, Hiệp hội Người tiêu dùng Hà Lan, tên khác là Consumentenbond hồi năm 2016 đã kiện Samsung vì cho rằng nhà sản xuất xứ Hàn buộc phải tuân thủ theo luật và cung cấp bản vá bảo mật Android đúng thời hạn cho smartphone ít nhất 2 năm kể từ ngày mua hoặc 4 năm kể từ thời điểm bán ra. Tuy nhiên, chính quyền thành phố The Hague vào thứ Tư 30/5 đã tuyên bố đơn kiện của Consumentenbond sẽ không được chấp nhận, với lý do Hiệp hội này đang cố ý can thiệp vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong tương lai của Samsung.
“Trường hợp kỹ thuật cụ thể vẫn chưa được xác định. Bởi vậy tòa sẽ không đưa ra bất kỳ kết luận nào về tính chất cũng như mức độ nghiêm trọng của bất kỳ hành động và rủi ro bảo mật nào của Samsung trong tương lai”, tòa án cho biết.

Nhóm vì lợi ích người tiêu dùng cho biết cảm thấy thất vọng trước quyết định của tòa án, tranh luận rằng tòa án không xem xét đến khía cạnh hành động không cập nhật cho smartphone đời cũ của Samsung là hành vi thiếu công bằng trong cạnh tranh thương mại. Luật sư của Consumentenbond, ông Christiaan Alberdingk Thijm, cho biết yêu cầu của tòa án về việc Hiệp hội phải đưa ra được bằng chứng về rủi ro khi Samsung không cập nhật bản vá bảo mật đúng hạn tới người dùng là không cần thiết, bởi chỉ riêng hành động cập nhật chậm hoặc bỏ bê model điện thoại cũ đã là một rủi ro về bảo mật rồi.

“Google phân loại và sắp xếp mức độ nghiêm trọng của từng lỗ hổng bảo mật họ tìm thấy cũng như hậu quả khả thi. Đó là công việc của một công ty công nghệ và Hiệp hội không cần phải làm điều đó”.

Tính phong phú và đa dạng của Android có một nhược điểm chết người: trong khi Google luôn đều đặn tung cập nhật bảo mật phần mềm cho nhà sản xuất Android, việc tiếp tục cập nhật cho người dùng hay không, hoặc nếu có thì cập nhật khi nào, phụ thuộc hoàn toàn vào từng nhà sản xuất điện thoại Android, và Samsung trước giờ vẫn “nức tiếng” vì luôn cập nhật chậm cũng như sớm “đem con bỏ chợ” đối với các model smartphone đời cũ.
Về phía mình, Samsung cho biết hãng luôn cố gắng “phản hồi nhanh nhất có thể” đối với mọi lỗ hổng bảo mật hay rủi ro về an ninh smartphone, bên cạnh đó là cung cấp cập nhật hằng tháng cho các doanh nghiệp khách hàng trong “ít nhất 3 năm kể từ ngày mở bán thiết bị”. Nhưng Samsung vẫn tiếp tục cho bán ra các mẫu điện thoại hãng đã ngừng hỗ trợ. Ngay đầu năm nay Người khổng lồ Hàn Quốc đã lặng lẽ dừng cập nhật cho bộ đôi flagship Galaxy S6 và S6 Edge, nhưng vẫn ngang nhiên bày bán model này.
Hiệp hội Consumentenbon nỗ lực để tòa án buộc Samsung phải cung cấp cho khách hàng đầy đủ thông tin hơn về các biện pháp bảo mật của mình, nhưng cũng không được chấp thuận. Tuy nhiên, Giám đốc Hiệp hội Bart Combée gần đây đã ghi nhận rằng Samsung cũng tự giác làm điều tương tự.
Năm ngoái, một vụ kiện tương tự cũng diễn ra tại Đức khi một công ty bảo vệ người tiêu dùng đã tấn công vào chuôi bán lẻ Media Markt về việc công ty này vẫn tiếp tục lưu trong kho các smartphone Android được cho là không an toàn.