Chúng ta hiện đang sống trong thời đại bùng nổ của smartphone. Thị trường di động chào đón người mua với hàng tá lựa chọn tới từ vô số thương hiệu, từ phân khúc siêu sang đến tầm trung và cơ bản, từ sinh viên tới doanh nhân hay người có tài chính dư dả, sẽ luôn có một smartphone phù hợp với túi tiền và nhu cầu sử dụng của mỗi người mua. Sự thực là, thị trường smartphone ngày càng nở rộ và chưa hề có dấu hiệu dừng lại, song tìm ra được công thức thành công trong một lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt như điện thoại thông minh chưa bao giờ là việc đơn giản. Dưới đây là top 5 smartphone được cho là thành công nhất dựa trên doanh số bán ra trong một thập kỷ qua, kể từ khi Apple quyết định đánh lừa cả khán phòng và thay đổi thế giới với iPhone 2G ngày 9/1/2007.

5. Galaxy S3/iPhone 5

 

 

 

Cả Galaxy S3 và thế hệ thứ 5 của iPhone đều chốt sổ ở mức 70 triệu thiết bị bán ra trong suốt vòng đời của mình. Tiếc rằng số liệu được làm tròn đến đơn vị triệu, vậy nên khó có thể biết được đâu là thiết bị bán chạy hơn trong hai sản phẩm, dù có thể S3 hoặc iPhone 5 nhỉn hơn đối thủ còn lại tới vài nghìn đơn vị sản phẩm.
Thú vị ở chỗ, cả hai smartphone đều tận dụng tốt bước chạy đà tuyệt vời từ hai thiết bị tiền nhiệm truyền lại – đó là chiếc Galaxy S2 đột phá của Samsung và trợ lý ảo Siri mà Apple lần đầu ra mắt trên iPhone 4S. Ngoài ra, cả hai đều ra mắt năm 2012 và giờ cùng giữ ngôi vị thứ 5 trên bảng xếp hạng.
Flagship 2012 của Người khổng lồ Hàn Quốc khẳng định đanh thép vị trí dẫn đầu của công ty trên thị trường smartphone đồng thời cho thấy những bước đi đầu tiên của Samsung nhằm tách ly khỏi các đối thủ khác trong hệ sinh thái Android. Về phần mình, Apple iPhone 5 ra mắt với thiết kế cải tiến từ một diện mạo đã quá đỗi quen thuộc trên iPhone 4 và 4S, màn hình 4” kéo dài được coi là điểm ăn tiền của nhà sản xuất Hoa Kỳ.

 

4. iPhone 7 và 7 Plus

 

Dù là hai model iPhone với một số tính năng chỉ xuất hiện trên phiên bản Plus, tuy nhiên do Apple chỉ cung cấp số liệu chung cho cả hai phiên bản, giống như cách Samsung không cho biết chính xác doanh số giữa Galaxy S, edge và phiên bản Plus của mình, thêm nữa do cả hai phiên bản đều ra mắt cùng thời điểm và có cấu hình tương tự, chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận và tính gộp iPhone 7 lẫn 7 Plus.
iPhone 7 và 7 Plus có tổng doanh số bán ra đạt 78 triệu thiết bị, xếp vị trí thứ 4. Thiết bị không chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể về thiết kế bên ngoài, tuy nhiên lại được Apple tích cực thay đổi đang kể bên trong: chuẩn kháng nước tạm thời IP67, viên pin dung lượng ấn tượng hơn, bộ nhớ trong lớn hơn và quan trọng nhất là hút Home rắn cảm ứng lực lần đầu tiên xuất hiện.

 

3. Galaxy S4

 

Flagship Galaxy S4 ra mắt 2013 với sức mua 80 triệu đơn vị sản phẩm vẫn là tượng đài doanh số khó đạp đổ của Samsung, ngay cả khi chính bản thân hãng đã tiến bộ rất nhiều và cho ra được những sản phẩm tuyệt vời sau đó (đơn cử như Galaxy S7 và Galaxy S8). Một lần nữa, Samsung đã tận dụng thành công tiếng vang của Galaxy S3 để đưa line-up Galaxy lên đứng đầu thị trường, cùng sự giúp đỡ của những cơn bão marketing rầm rộ.
Galaxy S4 nổi bật hơn cả nhờ phần cứng cao cấp cũng như tính năng phần mềm “độc” và “dị” có một-không-hai. Dù tính thực tiễn của những công nghệ Nhà sản xuất xứ kim chi mang lên điện thoại của mình vẫn còn phải xem xét và mặc cho lời chế nhạo từ nhiều người về độ ổn định của TouchWiz. Không thể phủ nhận những tính năng “tương lai” như theo dõi cử động mắt để cuộn trang không cần dùng tay hay Air View cho phép xem trước nội dung không cần chạm màn hình vẫn liên tục chiếm trang đầu mọi mặt báo và thu hút sự tò mò của người dùng. Hơn cả, những tính năng như vậy đã chứng minh một luận điểm đơn giản rằng Samsung có thể làm được nhiều hơn với Android trong tay hơn bất kỳ nhà sản xuất nào khác, và chính sự khác biệt đó đã phần nào giúp tạo nên một thương hiệu Galaxy hùng mạnh như ngày hôm nay, cạnh tranh trực tiếp với iPhone của Apple.

 

2. Nokia 5230 bán ra hơn 150 triệu chiếc

 

Theo tiêu chuẩn 2018, thật khó có thể gọi Nokia 5230 là “smartphone”, tuy nhiên, tại thời điểm ra mắt năm 2009, Nokia 5230 được coi là giải pháp smartphone giá rẻ cho những người không có nhu cầu phức tạp. Máy chạy hệ điều hành Symbian OS, sở hữu màn hình 3,2”, camera sau 2MP và bộ nhớ trong…tí hon 70MB. Điện thoại thậm chí còn không hỗ trợ kết nối WiFi, tuy nhiên chính nhờ nhiều thiếu sót phần mềm và tính năng thông minh, Nokia 5230 mới có được mức giá vô cùng hấp dẫn, giúp model có được chỗ đứng vững chắc trên phân khúc thị trường bình dân, để cuối cùng trở thành smartphone bán chạy thứ nhì trong lịch sử di động thông minh của nhân loại.

 

1. iPhone 6 và 6 Plus với doanh số kỷ lục hơn 220 triệu thiết bị

 

Nếu coi Galaxy S4 là tượng đài bất kỳ đối thủ nào muốn hạ bệ Samsung phải vượt qua được, thì iPhone 6 và iPhone 6 Plus là tiêu chuẩn vàng cho cả thế giới “phấn đấu”. Với doanh số bán ra cao gấp 3 lần iPhone 6S ra mắt sau đó 1 năm, dù 6S trình làng với rất nhiều cải tiến về hiệu năng và trải nghiệm chụp hình. Rất có thể iPhone 6 và iPhone 6 Plus sẽ không bao giờ bị soán ngôi hoặc sẽ còn phải rất lâu nữa mới xuất hiện một đối thủ xứng tầm so sánh. Ngay cả iPhone X ra mắt 2017 kỷ niệm 10 năm Apple sản xuất điện thoại cũng không là gì khi chỉ đạt doanh số bán lẻ 12,7 triệu thiết bị trong 2018.
Trong hai model, iPhone 6 Plus nhiều khả năng là mẫu điện thoại được săn đón nhiều hơn bởi 6 Plus đánh dấu mốc thời điểm Apple chính thức bước vào thị trường phablet, cạnh tranh trực tiếp với đế vương Samsung vốn đang thống trị thị phần với dòng sản phẩm Galaxy Note. Đây là lần đầu tiên Apple giới thiệu một smartphone màn hình lớn với kích thước khổng lồ. Tấm nền IPS kích thước 5,5” trên iPhone 6 Plus tuy không quá lớn so với tiêu chuẩn hiện tại, nhưng là đủ để hàng trăm triệu người hâm mộ Apple đổ xô tìm mua cho mình “dễ” mới.

 

Nếu để ý, bạn dễ dàng nhận ra danh sách trên không bao gồm những cái tên mới nhất như Galaxy S9 hay iPhone X, thậm chí còn có sự góp mặt của một “smartphone” giá rẻ ra mắt từ 2009. Vậy tại sao lại xảy ra tình trạng này trong khi smartphone ngày càng trở nên tốt hơn và những smartphone tốt ngày càng có mức giá hấp dẫn hơn?
Có hai nguyên do lý giải cho hiện tượng chững trong tiêu thụ smartphone. Đầu tiên phải kể đến bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và khắc nghiệt giữa các nhà sản xuất những năm gần đây, kết quả là miếng bánh doanh số bị chia nhỏ ra nhiều phần giữa các nhà sản xuất cũng như giữa nhiều dòng sản phẩm của cùng một nhà sản xuất. Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc như Huawei, OPPO hay Xiaomi đang dần thu hẹp khoảng cách với những Người khổng lồ công nghệ Hàn Quốc và Mỹ. Thứ hai, quãng thời gian ba năm 2012-2015 được coi là thời đại hoàng kim của smartphone khi ngành công nghiệp chứng kiện mức tăng trưởng thần tốc của thị trường tiêu thụ, trước khi nhiều tay chơi hơn xuất hiện và cùng tham gia vào cuộc đua siêu lợi nhuận này.