Có điểm tương đồng giữa Trí nhớ Biểu sinh ở thực vật và Ký ức ở động vật: Tiềm thức. Theo nhà nghiên cứu sinh thái hành vi Monica Gagliano (Úc), cây cối “biết chính xác những gì đang xảy ra”. Bà gợi ý nếu nói sinh vật có khả năng học hỏi và ghi nhớ thì không nên loại trừ thực vật. Khi liên tục bị ảnh hưởng bởi một kích thích khác thường nhưng vô hại (ví dụ tiếng ồn, ánh sáng), phản ứng thích nghi sẽ hình thành.
Bạn có thể khó chịu với tiếng ồn phát ra từ tủ lạnh song, lâu ngày, bạn gần như không thấy phiền hà gì bởi nó nữa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không còn nghe thấy tiếng ồn. Ngay cả trong căn phòng sẵn tiếng ồn, bạn vẫn bị giật mình bởi tiếng ồn lớn hơn. Nói cách khác, ghi nhớ về tiếng ồn vẫn nằm trong tiềm thức của bạn. Khi tiếp xúc với môi trường tương tự, bạn lập tức nhận ra. Tiềm thức ở cây cũng vậy.
Trinh nữ biết giảm thiểu hoạt động để tiết kiệm năng lượng |
Khi các nhà khoa học thả cây Trinh nữ (Mimosa pudica) từ trên cao xuống – điều mà loài cây còn được biết đến với cái tên “cây xấu hổ” này chưa từng gặp phải trong quá trình tiến hóa, nó không hề đưa ra phản ứng gấp gáp như khi bị chạm vào. Tuy nhiên, nếu rung lắc mạnh, nó sẽ khép lá tức thì. Không chỉ thế, Trinh nữ còn học hỏi nhanh nhạy hơn trong điều kiện khan hiếm ánh sáng. Nó phát triển nhận thức tốt hơn nhằm giảm thiểu tối đa các hoạt động gây mất năng lượng. Bằng “trí tuệ” này, Trinh nữ bảo toàn năng lượng sống.
Thí nghiệm với cây con Đậu Hà Lan (Pisum sativum) cũng chỉ ra chúng có khả năng dự đoán vị trí của ánh sáng, thậm chí mã hóa được cả thời gian và không gian, từ đó chỉnh sửa hành vi cho phù hợp với các tín hiệu của môi trường.
Cách ghi nhớ của cây
Cần nhiều hơn nữa những tìm hiểu về “trí khôn” của thực vật |
Cẩm quỳ Cornish sử dụng các mô ở phần gốc của cây để dịch chuyển phiến lá hướng về phía mặt trời. Đây là một quá trình chủ động, được kiểm soát bằng cách thay đổi áp suất nước bên trong thân cây. Độ lớn và hướng của nắng được mã hóa trong các mô nhạy sáng của Cẩm quỳ Cornish, lan truyền qua các gân lá và lưu trữ qua đêm. Cẩm quỳ Cornish cũng tiến hành theo dõi các thông tin về chu kỳ ngày và đêm thông qua đồng hồ sinh học, nhạy cảm bắt tín hiệu báo hiệu bình minh và hoàng hôn.
Đương nhiên, một cái cây không thể hiểu các khái niệm như “mặt trời”, “mặt trời mọc” song, nó ghi nhớ thông tin về hướng ánh sáng và chu kỳ ngày/đêm để chuẩn bị chu toàn cho việc đón nắng và kết thúc một ngày quang hợp. Cây cũng nhanh chóng “học” được cách thích nghi thích hợp nếu chu kỳ ngày/đêm và hướng sáng đột ngột bị thay đổi. Nếu bị phủ trong bóng tối, Cẩm quỳ Cornish sẽ chuyển từ hoạt động “trực tuyến” sang “ngoại tuyến” vài ngày để tiết kiệm năng lượng.
Dù là sinh vật có tuổi thọ lâu đời vào hàng bậc nhất trên trái đất, cây cối vẫn là nhóm sinh vật mà nhân loại mới chỉ bắt đầu tìm hiểu, phát hiện chúng cũng linh hoạt, có nhiều năng lực phi thường.
Khi mở rộng phạm vi nghiên cứu về nhận thức ra ngoài đối tượng động vật, chúng ta tìm ra ngay cả vi khuẩn, nấm mốc, động vật đơn bào cũng chia sẻ không ít chiến lược ghi nhớ và nguyên tắc học tập cơ bản tương tự các sinh vật bậc cao. Thực vật có nhận thức không phải điều gì viễn tưởng hay chỉ có trong phép nhân hóa. Nó đang tồn tại ngay trong tự nhiên, xung quanh chúng ta.