Apple có điều gì đặc biệt? Khi họ trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt giá trị 1.000 tỷ USD, nhiều người đã cố tìm câu trả lời cho thắc mắc trên.
Theo Yahoo Finance, đó có thể là loạt sản phẩm công nghệ cao cấp, sáng tạo của công ty, hay mô hình kinh doanh thông minh là tạo dựng nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh về phần cứng – phần mềm – nền tảng. Nhưng còn một nguyên nhân nữa giúp Apple trở nên khác biệt với các công ty Mỹ trong cuộc đua nghìn tỷ: Trung Quốc.
Trung Quốc không chỉ là nơi Apple sản xuất iPhone, thị trường này còn chiếm 1/5 doanh thu của họ. Trong khi các công ty công nghệ Mỹ khác bị chặn (như Facebook, Google) hay bị hạn chế (như Amazon), thì Apple đang đạt tốc độ tăng trưởng 19% hàng năm tại nước này.
Trong quý I/2018, iPhone chiếm 13% thị phần smartphone ở quốc gia đông dân nhất thế giới, theo Counterpoint Research. Dù phải đối mặt với thách thức lớn đến từ các đối thủ nội địa như Huawei hay Vivo, việc Apple có thể hiện diện ở đây đã là một thành công lớn.
Ảnh: Reuters.
Để làm được điều đó, từ năm 2008, Apple đã khai thác các kênh và làm việc với các nhà cung cấp địa phương để bán iPhone đại trà. Trong khi các nhà bán lẻ khác đặt điện thoại sau quầy kính khóa chặt, Apple đặt smartphone trên bàn gỗ để ai cũng có thể cầm dùng thử. Apple hiện có hơn 40 cửa hàng ở Trung Quốc và đang lên kế hoạch mở rộng ra nhiều thành phố hơn.
iPhone là sản phẩm cao cấp ở Mỹ và thậm chí còn là mặt hàng đắt đỏ tại Trung Quốc, nơi đa số người dân có thu nhập hàng tháng chưa bằng một chiếc iPhone X giá nghìn đô. Tuy nhiên, chính sự khó đạt được ấy lại càng khiến iPhone được khao khát hơn. Sử dụng chiếc iPhone đời mới nhất gắn liền với sự sang chảnh.
Cơn sốt iPhone bắt đầu diễn ra từ năm 2015 khi Apple công bố iPhone 6 và 6 Plus vì người dùng Trung Quốc chuộng màn hình lớn. Do Trung Quốc không nằm trong số những quốc gia đầu tiên điện thoại Apple được bán ra, thị trường chợ đen lập tức trở nên nhộn nhịp. Cũng trong quý đó, doanh thu Apple tại nước này nhân đôi lên thành 12,5 tỷ USD. Shaun Rein, nhà sáng lập China Market Research Group, gọi iPhone là “sản phẩm hạng sang có thể tiếp cận được” đối với người dân nước này.
Bên cạnh đó, với những công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, thiết lập mối quan hệ thân thiết với chính phủ đặc biệt quan trọng. Tim Cook, CEO Apple, luôn chủ động gặp gỡ và trao đổi với các quan chức, thường xuyên tham dự và phát biểu tại các hội thảo do nhà nước tổ chức.
Trước sức ép của Bắc Kinh, Apple sẵn lòng loại bỏ tất cả các ứng dụng mạng riêng ảo VPN khỏi App Store ở Trung Quốc mà không phản kháng. Người dân ở đây vẫn tải VPN để đi đường vòng trong việc truy cập các dịch vụ bị cấm như Google Search, Facebook…
Giữa năm nay, Apple chuyển dữ liệu của 130 triệu người dùng iCloud ở Trung Quốc qua máy chủ của Guizhou-Cloud Big Data – một công ty viễn thông thuộc sở hữu của nhà nước. Có nghĩa, Trung Quốc có thể nắm quyền quản lý nguồn dữ liệu iCloud của hàng trăm triệu người dùng iPhone ở đây.
Khi Google bị cấm, họ chỉ phải di chuyển máy chủ và đóng một số văn phòng. Nhưng theo ông Shaun Rein, Apple không dám làm mất lòng chính phủ Trung Quốc bởi nếu điều đó xảy ra, hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng vì đa số sản phẩm của họ được sản xuất ở Trung Quốc và đây cũng là thị trường quan trọng thứ hai của họ chỉ sau Mỹ.
“Apple và một tấm gương về khả năng tạo quan hệ và vận động hành lang mà Google sẽ muốn học hỏi theo”, ông Rein nhận định.
Minh Minh