Hệ thống trí tuệ nhân tạo này có thể được truy cập thông qua các cổng trực tuyến có khả năng “sử dụng các kiến thức cơ bản” để “phân tích một cách có logic và ý nghĩa” các bài luận của học sinh.
Từ đó, nó có thể nắm bắt được nội dung, phong cách và cấu trúc của bài viết, và đề xuất ra hướng cải thiện tốt hơn.
Hệ thống này có khả năng đọc hiểu được cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung, và nó được cho là có khả năng nhận biết được cả một bài viết “lạc đề”.
Giống như những hệ thống trí tuệ nhân tạo khác, hệ thống của các trường học tại Trung Quốc cũng có khả năng học hỏi nhằm tự cải thiện khả năng của mình. Bằng cách đọc các ghi chú phê bình của các giáo viên, nó sẽ học hỏi và áp dụng cho những lần chấm điểm sau.
Trong một lần thử nghiệm với gần 120 triệu người, gần 92% người tham gia đồng ý với các đánh giá của hệ thống trí tuệ nhân tạo trên. Nhưng nó vẫn chưa phải là hoàn hảo.
Một người dùng trên trang Zhihu đã đăng một ảnh chụp màn hình cho thấy đánh giá của AI về một bài báo năm 2015 trên tờ Washington Post. Theo đó hệ thống AI chỉ đánh giá bài trên được 71.5/100 điểm, với các lỗi như cách dẫn dắt, độ tập trung và chiều dài của bài viết.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu dự án AI trên vẫn tin tưởng vào hệ thống, hy vọng nó sẽ giúp khắc phục những mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh về điểm bài thi, giảm thời gian chấm bài cho giáo viên cũng như giúp các học sinh ở vùng sâu vùng xa cải thiện khả năng viết của mình.
Tại Mỹ, một hệ thống tương tự đã được triển khai thành công ở một quy mô nhỏ hơn. Ứng dụng chấm điểm trực tuyến Gradescope, được phát triển bởi Đại học California Berkeley, đã giúp giảm thời gian chấm điểm tới 90%.
Tuy nhiên, nguồn gốc của dự án đang làm các nhà giáo dục phải quan tâm.
Chính phủ Trung Quốc được cho đang đứng sau dự án trên. Trưởng dự án, Zhou Jianshe, một giáo sư tại trung tâm nghiên cứu trí thông minh ngôn ngữ của Trung Quốc, đã từng giúp quân đội trong việc khai thác dữ liệu cũng như nghiên cứu xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Ngoài ra, một số nhóm chịu trách nhiệm thiết kế phần mềm đã từng hỗ trợ cho các chương trình giám sát của chính phủ và quân đội Trung Quốc. Do vậy các nhà giáo dục lo ngại hệ thống này sẽ trở thành một công cụ dắc lực của chính phủ nhằm theo dõi các học sinh.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là cha mẹ của các học sinh không được thông báo trước về việc bài thi sẽ do “máy” chấm, và học sinh của một số lớp thậm chí còn không được biết rằng bài của họ được chấm bởi trí tuệ nhân tạo.
“Không có luật cấm AI đánh giá các bài luận của sinh viên”, Yu Yafeng, một giáo sư tại Viện lý thuyết giáo dục tại Đại học Bắc Kinh, “tuy nhiên, việc này sẽ đặt ra các câu hỏi về đạo đức.”