Sau thành công của PhotoStudy, nhà phát triển Got It Inc. mới đây tiếp tục ra mắt ứng dụng mới với AI BOT (Robot mạng tích hợp trí tuệ nhân tạo) thông minh hơn, có thể hỗ trợ người dùng giải các bài toán cao cấp nhanh chóng và cho kết quả chính xác nhất.
Ứng dụng này đã được các bạn trẻ và cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt và thu hút ý kiến thảo luận sôi nổi.
Gần giống như sản phẩm trước đó, PhotoSolver được tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI BOT) có thể tương tác trực tiếp với người dùng để hỗ trợ trả lời các câu hỏi thuộc chủ đề Toán Học (bao gồm toán cơ bản, tiền đại số, đại số, đại số tuyến tính, lượng giác, toán hữu hàm…).
Tuy nhiên, thay vì lập tức đưa ra kết quả, ứng dụng này sẽ đưa ra các lời nhắc kèm theo phương pháp giải quyết bài toán khác nhau theo từng bước một, giúp người dùng hiểu rõ vấn đề đang khúc mắc hơn giống như đang được giảng bài bởi các giáo viên.
Để sử dụng ứng dụng PhotoSolver, người dùng chỉ cần kết nối ứng dụng với camera của điện thoại, chụp ảnh bài toán. Ngay sau đó, AI của ứng dụng sẽ nhận diện để đưa ra lời giải chính xác cho bài toán này.
Khả năng nhận diện hình ảnh bài toán của ứng dụng này cũng được đánh giá là hoàn hảo. PhotoSolver có thể nhận diện không chỉ chữ in hoa trong sách mà còn nhận diện được cả chữ viết tay.
Ngay sau khi được chia sẻ bởi người sáng lập Got It Trần Việt Hùng (Hùng Trần), ứng dụng đã được cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ truyền tay nhau. Video mô tả cách ứng dụng hoạt động trên trang cá nhân của Founder này đã cán mốc 150.000 lượt xem chỉ sau 3 ngày.
Trao đổi với VnEconomy, TS. Lê Thống Nhất, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trường học Lớn Việt Nam (Bigschool) chia sẻ, điều đáng tự hào nhất là PhotoSolver do một người Việt là TS. Trần Việt Hùng tổ chức xây dựng.
Những năm gần đây trên thế giới đã có những sản phẩm nhằm giải một số lớp các bài toán. Tuy nhiên điều khác biệt của sản phẩm của Got It là chia quá trình giải toán thành từng bước, có tính dẫn dắt, gợi ý và người dùng có thể đi tới cùng hoặc dừng lại bất cứ ở bước nào để tự giải tiếp. Sản phẩm đã nhận dạng cả chữ viết của người dùng với công nghệ Deep Learning.
Tuy vậy, theo TS. Nhất, trong trải nghiệm cụ thể vẫn nhiều trường hợp ứng dụng không nhận dạng được. Đây là điều mà các nhà xây dựng sản phẩm cần hoàn thiện.
“Tôi tin tưởng vào sự hoàn thiện sản phẩm trong giai đoạn tới vì đây mới chỉ là phiên bản đầu tiên”, TS. Nhất chia sẻ. Phản hồi về ý kiến này, TS. Hùng Trần cho biết, ứng dụng chưa quen với chữ viết tay của người Việt. “Nó” sẽ học và nhanh thôi. Khi đó chữ “bác sỹ” vẫn đọc được”, TS. Hùng chia sẻ.
Theo TS. Nhất, đây là sản phẩm hỗ trợ người học để tự học. Điều quan trọng là độ thông minh của sản phẩm vẫn phụ thuộc vào sự thông minh của người xây dựng sản phẩm bởi vậy có khi lời giải được gợi ý có thể chưa phải là lời giải hay nhất. Tương tự như công cụ tìm kiếm đường đi, có thể gợi ý cho bạn đường đi nhưng tối ưu và gần với thực tế lại phải do người dùng quyết định thêm.
“Việt hoá sản phẩm là cần thiết và việc này không khó với những người xây dựng sản phẩm. Tuy nhiên phiên bản tiếng Anh cũng có thể giúp người dùng trau dồi thêm về tiếng Anh với các thuật ngữ Toán học”, TS. Nhất nói thêm.
Bày tỏ sự ngạc nhiên khi trải nghiệm PhotoSolver, bà Hoàng Thị Thu Duyến, Tiến sĩ trường Đại học tổng hợp Goettingen, Đức hiện đang giảng dạy tại Đại học Lâm Nghiệp cho rằng, ưu điểm của ứng dụng này là giúp giải quyết các bài toán một cách nhanh chóng, giảm thời gian tính toán và rất ưu việt trong xử lý các bài toán thực tế. Tuy nhiên, xét về mặt giáo dục thì ứng dụng có thể sẽ làm học sinh lười trong việc giải toán và phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy toán học.
Theo TS. Duyến, để không ảnh hưởng đến việc giáo dục thì các nhà làm giáo dục cần xem xét thay đổi cách dạy toán. Thay vì dạy cho học sinh cách giải các phép tính thì nên dạy cho học sinh việc ứng dụng phép tính. Muốn làm được vậy thì học sinh phải hiểu được bản chất của phép tính ấy là gì. Khi ấy, ứng dụng mới này của Got It lại cực kỳ hữu ích.
Got It là một công ty cung cấp nền tảng chia sẻ kiến thức dưới dạng dịch vụ đầu tiên trên thế giới có trụ sở chính tại thung lũng Silicon, Mỹ và một văn phòng tại Hà Nội.
Startup này đã huy động được khoảng 15 triệu USD từ các quỹ đầu tư danh tiếng, trong đó có Capricorn Investment Group (sáng lập bởi Chủ tịch đầu tiên của eBay, từng đầu tư vào các startup đột phá như Tesla Motors, QuantumScape và Planet Labs) hay Brad Bao (từng phụ trách quỹ đầu tư Tencent Investment).