Kết cấu cầu thép có trọng lượng bản thân nhẹ, do đó chi phí xây dựng kết cấu phần dưới của cầu thép rẻ hơn cầu bê tông cốt thép (trong ảnh là cầu vượt thép Nguyễn Kiêm – Hoàng Minh Giám)
Ngày 23/5, Trường ĐH GTVT TP.HCM cho biết, đã phối hợp với Hội Cầu đường Cảng TP và công ty Matière tổ chức hội thảo “Công nghệ sản xuất cầu thép của Pháp, thách thức và khả năng áp dụng cho cầu vượt đô thị và hệ thống giao thông nông thôn, miền núi ở Việt Nam”.
Theo TS Trần Quốc Bảo, giảng viên khoa Công trình, Trường ĐH GTVT TP.HCM, cầu vượt thép có tác dụng về lợi ích xã hội, giảm chi phí vận hành, lợi ích do việc rút ngắn cự ly vận chuyển, giảm TNGT.
Kết cấu thép là có trọng lượng bản thân nhẹ, do đó chi phí xây dựng kết cấu phần dưới của cầu thép rẻ hơn cầu bê tông cốt thép (BTCT). Kết cấu thép có chiều cao kiến trúc thấp, vì vậy đường dẫn lên cầu ngắn hơn, diện tích chiếm dụng đất của công trình cầu vượt thép cũng ít hơn. Chi phí xây dựng cầu thép khoảng 80,7% so với chi phí xây dựng cầu BTCT có quy mô tương tự.
Theo T.S Bảo, kết quả thiết kế 16 công trình cầu vượt thép tại TP HCM và Hà Nội cho thấy, kết cấu tầng trên, tất cả các công trình cầu đều sử dụng dầm liên hợp thép – BTCT. Trong đó có 12/16 cầu sử dụng dầm tiết diện hộp liên hợp thép – BTCT và 4/16 cầu sử dụng dầm tiết diện chữ l liên hợp thép – BTCT.
Cầu là loại hình công trình có chi phí xây dựng rất lớn. Để tránh lãng phí do phải phá dỡ, cải tạo lại công trình hiện hữu đảm bảo nhu cầu khai thác trong tương lai, đối với các nút giao thông có quy mô lớn công tác quy hoạch – thiết kế nút giao cần được triển khai và hoàn thiện ngay từ đầu, việc xây dựng có thể được triển khai phân kỳ theo nhiều giai đoạn phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu giao thông của từng thời điểm. Vì nhiều lý do khác nhau (khả năng tài chính, điều kiện GPMB, tính cấp bách…) một số cầu vượt thép tại TP HCM chưa xem xét thấu đáo yếu tố phù hợp với các quy hoạch tương lai.
T.S Trần Quốc Bảo, giảng viên khoa Công trình, Trường ĐH GTVT TP.HCM trình bày về lợi ích của việc sử dụng cầu thép so với cầu BTCT
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Lân, Trưởng văn phòng Quản lý chất lượng và Tư vấn giám sát thuộc Công ty Tedi South nhận định: Hiện nay cơ quan Nhà nước, chủ đầu tư chưa có cái nhìn tích cực về sử dụng cầu thép, chưa có chương trình, lộ trình phát triển cầu thép, đặc biệt cầu thép khẩu độ lớn. Tỉ lệ cầu thép hiện nay quá thấp so với cầu bê tông khác.
Những lợi ích sử dụng cầu thép rất lớn như: Đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian thi công tại công trường – giảm chi phí tại công trường và chi phí đảm bảo giao thông (kinh nghiệm của Pháp giảm 25%).
Cùng khẩu độ, chiều cao dầm thấp hơn, tĩnh tải kết cấu phần trên nhẹ, giảm áp lực xuống kết cấu phần dưới. Giảm mức độ xử lý nền móng – nền đất yếu đối với đoạn đường đầu cầu. Giảm giá thành vận chuyển.
Dự án thực hiện phân kỳ đầu tư: Dễ dàng mở rộng giai đoạn 2 và khi tải trọng giao thông gia tăng hoặc có kết cấu có khuyết tật: dễ nâng cấp, sửa chữa đáp ứng tải trọng (cầu BTCT khó thực hiện hơn).
Như vậy, khả năng ứng dụng cầu thép trong xây dựng cầu ở ĐBSCL là hoàn toàn khả thi bởi nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực này là rất lớn, cầu thép có nhiều ưu điểm phù hợp với đặc thù của vùng.
Xây dựng chương trình phát triển cầu thép, hình thành chuỗi liên kết giữa Tư vấn thiết kế – Nhà cung cấp vật liệu – Nhà thầu chế tạo và thi công theo quy trình khép kín sẽ tăng chỉ số công nghiệp hóa, tiêu chuẩn hóa và thống nhất hóa các sản phẩm của cầu thép, đảm bảo chất lượng ổn định và giảm giá thành.
“Các nghiên cứu và tổng kết thực tiễn đã cho thấy cầu thép chịu thời tiết có thể sử dụng được ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, vì đây là vật liệu “mới” nên cần có những nghiên cứu sâu hơn để xây dựng tiêu chuẩn vật liệu phù hợp vùng miền, và sản xuất trong nước để giảm giá thành”, ông Lân nói thêm.
Đỗ Loan