Đang vững vàng bước đi, Samsung bỗng “trượt chân” từ cuối năm ngoái khi để mất ngôi đầu bảng tại Mỹ vào tay Apple, tiếp đến là Xiaomi (Trung Quốc) tại Ấn Độ. Mới hôm qua thì OnePlus, một startup non trẻ của Trung Quốc, với mẫu OnePlus 6 đã lần đầu vượt mặt Samsung trở thành flagship phổ biến nhất tại thị trường di động lớn thứ hai thế giới.
Tuy vẫn phổ biến tại một số nơi, nhưng màn thể hiện của Galaxy S9 không tốt bằng những đàn anh trước. Galaxy S9 cũng góp phần khiến doanh thu mảng di động của Samsung sụt giảm trong Q2/2018, buộc hãng phải bán sớm mẫu Note 9 để bù đắp.
Thế nhưng sau những hình ảnh rò rỉ, có thể thấy Galaxy Note 9 vẫn là bản sao của Note 8, không có gì thay đổi trừ vị trí cảm biến vân tay mặt lưng, tương tự cách Samsung làm khi nâng cấp S8 lên S9. Nhiều người không ngần ngại chỉ trích sau khi biết thông tin trên.
Với tình hình hiện nay, Samsung liệu có giữ được ngôi vị nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong thời gian dài hay không?
Đã đến lúc gã khổng lồ Hàn Quốc cần phải thay đổi toàn diện. Nhưng Samsung nên thay đổi như thế nào?
OnePlus hay Xiaomi đánh bật Samsung khỏi top 1 tại Ấn Độ là nhờ những sản phẩm tốt hơn và giá cả phải chăng hơn. Samsung cần phải theo chiến lược này nếu muốn đấu với các hãng Trung Quốc kia.
Trên thực tế thì Samsung vừa khánh thành nhà máy lớn nhất thế giới tại Ấn Độ, giúp những thiết bị đến tay người dùng vừa có giá cạnh tranh vừa có dòng chữ “Made in India” giống như Xiaomi.
Những thiết bị giá rẻ gần đây của Samsung đều bị đánh giá thua toàn tập so với đối thủ có cùng giá bán. Nhiều người sẵn sàng bỏ đi cái mác nổi tiếng để chọn một sản phẩm vừa túi tiền nhưng chất lượng tốt hơn đến từ công ty khác. Samsung phải nhận ra điều này nếu muốn nuôi hy vọng cạnh tranh.
Ngoài Ấn Độ, Xiaomi và Huawei cũng đang bành trướng rất nhanh tại châu Âu. Nếu năm nay iPhone giá rẻ của Apple đúng là có giá chỉ 700 USD (16,2 triệu đồng) thì thị phần toàn cầu của Samsung cũng bị đe dọa.
Tóm lại, Samsung nên vứt bỏ sự tự mãn và nhìn vào thực tế: không phải ai cũng chi tiền cho cái mác Samsung, có thể vài năm trước là đúng, nhưng giờ thì mọi thứ đã khác rồi.
Galaxy S8 và S9
Nếu bạn hỏi ai đó rằng thương hiệu nào là đối thủ lớn nhất của Samsung, câu trả lời gần như chắc chắn sẽ là Apple. Kể từ tháng 9 năm ngoái, Apple đã ra mắt bao nhiêu smartphone? Chỉ 3 mà thôi. Trong cùng khoảng thời đó, Samsung cho ra mắt bao nhiêu smartphone? Khó mà nắm rõ hết được, nhưng chắc chắn là lớn hơn rất nhiều so với con số 3 kia.
Ấy vậy mà tổng doanh số 3 smartphone kia của Apple tại Mỹ còn cao hơn doanh số của hàng chục smartphone của Samsung.
Phải công nhận là Samsung đã tiết chế lại việc ra mắt quá nhiều sản phẩm so với 3 hay 4 năm trước, nhưng chừng đó là chưa đủ. Nếu muốn đấu với Apple, Samsung cần chứng tỏ mình là đối thủ xứng tầm.
Còn hiện tại hãng dường như đang cạnh tranh với tất cả cùng một lúc và không có sự tập trung nhất định.
Những công ty mới nổi như Xiaomi sẵn sàng chấp nhận rủi ro để giành chiến thắng. Họ không quan tâm đến lợi nhuận vì chưa đến lúc, nhưng với Samsung, các cổ đông lâu năm luôn muốn lợi nhuận tăng đều theo từng quý, đó cũng là áp lực mà Samsung đang đối mặt.
Theo Android Authority, Samsung nên cắt giảm danh mục sản phẩm (smartphone) hiện tại để dễ quản lý hơn, mỗi phân khúc (cao cấp, tầm trung và giá rẻ) chỉ nên có 1 hoặc 2 sản phẩm được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng. Chỉ có vậy thì mới đủ sức cạnh tranh với Apple và hàng loạt công ty non trẻ khác trên thị trường.
Những năm gần đây có rất nhiều smartphone sáng tạo và thú vị xuất hiện, nhưng chúng không phải của Samsung.
Vivo NEX là ví dụ điển hình nhất, máy có màn hình gần như chiếm toàn bộ mặt trước, camera selfie “thò thụt” và cảm biến vân tay trong màn hình. Oppo Find X cũng có chung ý tưởng, thậm chí còn được đánh giá cao hơn.
Huawei P20 Pro thì có 3 camera sau, mặt lưng phối màu độc đáo. Ngay cả OnePlus 6, tuy không quá độc đáo, thú vị nhưng nó hội tụ đủ những gì một flagship cần phải có mà giá rẻ hơn hàng trăm USD so với Galaxy S9 cũng là lựa chọn hợp lý của nhiều người.
Tất nhiên những công nghệ trên Samsung có thể làm được, chỉ là hãng vẫn đang muốn ở trong “vùng an toàn” của mình. Ngay cả đối với trào lưu “tai thỏ”, nhiều người khẳng định Samsung vẫn muốn giữ chất riêng của mình, không chạy theo thị trường, nhưng những ý kiến cho rằng Samsung không lường trước được sự phổ biến của trào lưu này và trở nên bị động cũng không phải là không có.
Về mặt tích cực hơn, Samsung đang phát triển và chuẩn bị ra mắt smartphone màn hình gập vào năm 2019, còn với Galaxy S10 sẽ có nhiều nâng cấp thú vị như 3 camera sau, cảm biến vân tay trong màn hình. Nhưng ngoại trừ smartphone màn hình gập, thứ mà tính hiệu quả vẫn còn là một ẩn số, những tính năng kia chẳng phải các hãng khác đều đi trước Samsung một bước rồi sao?
Nhiều bạn sẽ cho rằng vị trí số 1 của Samsung không dễ gì lung lay, rằng Samsung đã quá lớn để có thể bị sụp đổ.
Nhưng chúng ta đã thấy vài “nhân chứng sống” từng là ông vua nhưng rồi cũng lụi tàn. HTC từng thường xuyên đứng trong top 5 hãng smartphone lớn nhất thế giới, giờ lại không lọt nổi vào top 10, và tình hình kinh doanh vẫn liên tục đi xuống không gì cứu vãn được. Sony, LG hay BlackBerry thì cũng đang “thoi thóp”.
Họ từng là những đối thủ sừng sỏ, nhưng giờ phải chịu cảnh thất thế. Chính vì vậy Samsung không thể chủ quan chỉ vì mình đang là số 1. Hãng đang mất thị phần tại Mỹ, tại Ấn Độ, vào tay những công ty non trẻ, và dòng flagship chủ lực Galaxy S đang khiến người dùng thất vọng.
Samsung không phải thần thánh, cũng không phải kẻ bất khả chiến bại, và những chiến lược trong tương lai gần của hãng cần phải phản ánh được sự thật đó.